Vài năm trước đây, đời sống của người dân xã Đắc Sơn (Phổ Yên) gặp nhiều khó khăn về kinh tế do tập quán canh tác lạc hậu, chăn nuôi nhỏ lẻ manh mún. Nhưng năm 2009, Đắc Sơn đã có sự đột biến về giảm tỷ lệ hộ nghèo nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Lúa và ngô lâu nay vẫn là 2 loại cây trồng chủ lực ở Đắc Sơn với trên 500ha trong tổng diện tích trên 700ha đất nông nghiệp toàn xã. Thời điểm này, bà con nhân dân địa phương đang chuẩn bị thu hoạch vụ ngô đông. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng ngô thuộc thôn Tân Trung, anh Đặng Việt Dũng, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đắc Sơn cho biết: Đây là giống ngô MB 68 mới được bà con đưa vào trồng từ năm 2008. Năng suất của giống ngô này cao hơn hẳn những giống ngô bà con vẫn trồng những năm trước.
Hiện nay, toàn xã đã có khoảng 50 hộ trồng với tổng diện tích trên 20ha các giống ngô mới. Bên cạnh chú trọng phát triển cây ngô, lúa cũng được bà con thay thế dần giống lúa nguyên chủng bằng các giống lúa mới. Tính đến nay, xã Đắc Sơn đã có khoảng 20% diện tích lúa lai. Ngoài việc quan tâm 2 loại cây trồng chủ lực này, bà con còn thâm canh các loại rau màu để tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất như khoai tây, cà chua, su hào, bắp cải…
Bên cạnh việc đưa các giống mới vào sản xuất, bà con còn thay đổi tập quán canh tác như từ cách thức gieo mạ truyền thống sang sử dụng công cụ gieo sạ. Tính đến nay, xã đã có 9 hộ mua được thiết bị gieo sạ và cũng là xã dẫn đầu trong toàn huyện về đăng ký mua thiết bị này nâng tổng diện tích gieo cấy theo phương pháp này lên khoảng 200ha, góp phần làm giảm đáng kể công lao động đồng thời tiết kiệm được giống, tăng năng suất cây trồng. Năm 2009, sản lượng lương thực có hạt toàn xã đạt trên 3.000 tấn, tăng khoảng 8 tấn so với năm 2007.
Không chỉ chú trọng phát triển các loại cây nông nghiệp, nhiều hộ còn mạnh đầu tư xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi với quy mô lớn. Điển hình như hộ ông Lê Văn Tự, xóm Bến 1. Hiện, ông có một cơ ngơi khang trang với mô hình chăn nuôi lợn cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Ông Tự cho hay: Trước đây, gia đình tôi cũng là một trong những hộ khó khăn của xã. Do không dám đầu tư, nên chỉ chăn nuôi theo kiểu chục con gà, đôi con lợn, mỗi loại một ít, nên đầu tư thức ăn dàn trải, không hiệu quả. Năm 2007, tôi đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi lợn với quy mô 25 con lợn nái. Thấy hiệu quả, tôi dần mở rộng, hiện mỗi năm đàn lợn nái của tôi sinh được 1.000 lợn con, nuôi đến khi đạt khoảng 90kg/con thì xuất bán. Không chỉ ông Tự đã biết đầu tư phát triển kinh tế, nhiều hộ dân trong xã cũng đã biết đầu tư đúng hướng, tính đến nay toàn xã đã có gần 10 mô hình chăn nuôi lợn, gà, vịt có quy mô lớn cho thu nhập từ 30 triệu đồng/năm trở lên; Nâng tổng đàn gia súc gia cầm của xã từ trên 50 nghìn con năm 2007 lên 60 nghìn con năm 2009.
Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh, mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, nên năm 2009 là năm tỷ lệ giảm nghèo ở xã đạt cao nhất từ trước tới nay. Toàn xã có 2.144 hộ đến nay chỉ còn 199 hộ nghèo, giảm 241 hộ so với năm 2008.