Để doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng thông qua bảo lãnh vay vốn

10:48, 20/01/2010

Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) và hợp tác xã (HTX) vay vốn các ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua hình thức bảo lãnh vay vốn của Ngân hàng Phát triển là để giúp các DN còn khó khăn về vốn có điều kiện thực hiện dự án đầu tư để phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD).

 

Đối tượng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh vay vốn của NHTM là các DN thuộc các thành phần kinh tế (kể cả hợp tác xã ) có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng hoặc sử dụng tối đa dưới 1 nghìn lao động. Tuy nhiên, qui định bảo lãnh cũng rất chặt chẽ: chỉ bảo lãnh cho các doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phát triển SXKD (vay vốn đầu tư tài sản cố định); phương án SXKD (vay vốn lưu động) phù hợp với quy định của pháp luật. Ngân hàng không bảo lãnh cho các DN vay vốn để thực hiện dự án, phương án SXKD trong lĩnh vực tư vấn, kinh doanh bất động sản (trừ các dự án xây dựng nhà ở bán cho người có thu nhập thấp; nhà cho công nhân và sinh viên thuê; xây dựng nghĩa trang), kinh doanh chứng khoán; vay vốn để thanh toán nợ các hợp đồng tín dụng khác.

 

Ngay sau khi có Quyết định số 14 ngày 21/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế bảo lãnh cho DN vay vốn của NHTM, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên (NHPTTN) đã tiến hành triển khai hội nghị tại hai địa bàn Bắc Kạn và Thái Nguyên với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các NHTM và đại diện các DN để phổ biến văn bản, bàn bạc, thảo luận các nội dung, phương án thực hiện. Bên cạnh đó, Chi nhánh công khai hoá các nội dung, thủ tục hồ sơ và bố trí bộ phận tiếp đón, giới thiệu với DN và HTX về cơ chế, điều kiện, thủ tục, trình tự thực hiện bảo lãnh vốn; tư vấn, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị bảo lãnh vay vốn. Đồng thời, Chi nhánh phát tờ rơi để phổ biến cũng như quảng bá rộng rãi về nghiệp vụ bảo lãnh cho DN vay vốn của NHTM. Khác với hoạt động tín dụng của các NHTM, đối với Chi nhánh, khi khách hàng đến đều được tư vấn về: hạch toán kế toán và lập báo cáo tài chính theo quy định; các quy định liên quan đến việc lập dự án và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB); các thủ tục pháp lý của DN cũng như trong việc thương thảo hợp đồng kinh tế.

 

Theo chị Vi Thị Thuý, Trưởng phòng Bảo lãnh hỗ trợ lãi suất, Chi nhánh NHPTTN cho biết: Do đây là nghiệp vụ mới, quy định khá chặt chẽ;  các DN và HTX lại hạn chế về năng lực tài chính; trình độ tổ chức quản lý kinh doanh, chất lượng lập báo cáo tài chính của DN thấp. Nhiều DN không đảm bảo có đủ vốn tự có tham gia vào phương án SXKD và dự án đầu tư theo quy định. Nếu như không tư vấn cho các DN thì họ rất khó tiếp cận được với nguồn vốn vay của NHTM thông qua hình thức bảo lãnh vay vốn của Chi nhánh NHPTTN. Ví dụ như: Để được bảo lãnh vay vốn của NHTM thì các DN phải gửi tới Chi nhánh báo cáo tài chính  lập theo quy định, song, nhiều DN và HTX lập báo cáo tài chính không đầy đủ thông tin và không đúng chế độ về hạch toán kế toán, Chi nhánh phải tư vấn cho khách hàng cách hạch toán và lập báo cáo tài chính theo đúng quy định mới đảm bảo thủ tục về hồ sơ.

 

Bên cạnh đó, đối với những dự án đầu tư, DN đề nghị bảo lãnh vay vốn của NHTM thì phải được lập và quản lý theo đúng quy định quản lý đầu tư XDCB (đây là điểm khác biệt khi các DN vay vốn ở các NHTM lại không đòi hỏi điều kiện này), nên Chi nhánh cũng phải tư vấn đầy đủ về các quy định liên quan đến việc lập dự án và quản lý chi phí đầu tư XDCB. Đối với phương án SXKD, thì các điều khoản trong hợp đồng bán hàng của DN phải phù hợp với quy định của pháp luật và phải đảm bảo lợi ích của DN (vì DN thực hiện hợp đồng thành công   mới có nguồn để trả nợ). Do đó, đối với các hợp đồng, nội dung chưa chặt chẽ và không đảm bảo lợi ích của DN thì Chi nhánh sẽ tư vấn để DN điều chỉnh hợp đồng cho phù hợp.

 

Từ khi triển khai nghiệp vụ cho vay bảo lãnh đến nay (từ tháng 2/2009 đến 18/1/2010), Chi nhánh NHPTTN đã tiếp nhận 42 hồ sơ của các DN đề nghị bảo lãnh vay vốn NHTM với tổng số tiền 702 tỷ 150 triệu đồng. Sau khi thẩm định, Chi nhánh chấp nhận phát hành chứng thư bảo lãnh cho 16 hồ sơ với tổng số tiền 233 tỷ 715 triệu đồng, trong đó, ngành xây dựng 13 tỷ 900 triệu đồng; ngành công nghiệp 34 tỷ đồng; ngành nông nghiệp 6 tỷ đồng; ngành thương mại 179 tỷ 815 triệu đồng.  

 

Tuy nhiên, để có thêm nhiều  DN và HTX tiếp cận được nguồn vay NHTM qua bảo lãnh của NHPTTN, đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan chức năng trong việc hướng dẫn, kiểm tra sát sao việc hạch toán kế toán đối với DN; các ngành, các tổ chức, Hiệp hội DN cần thông tin đầy đủ đến các DN và HTX về chính sách bảo lãnh của Ngân hàng Phát triển; các NHTM và NHPTTN cần tăng cường sự phối hợp để thống nhất nhận thức; xử lý các nghiệp vụ trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện cho DN và HTX khi vay vốn…