Đổi thay ở Bản Lác

15:44, 10/01/2010

Là một trong những xóm xa nhất của xã Kim Phượng (Định Hóa), diện tích đất nông nghiệp chỉ có 13,7ha với 50 hộ dân nhưng nhờ chăm chỉ và sáng tạo trong sản xuất, Bản Lác 2 lại là xóm có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất xã, đời sống vật chất và tinh thần đang từng bước được nâng cao, những ngôi nhà mới khang trang xuất hiện ngày càng nhiều tại nơi này.

 

Đến xóm Bản Lác 2 vào những ngày này sẽ dễ dàng cảm nhận được sự sung túc của người dân qua những sân phơi ngô vàng óng. Anh Hà Văn Ngọc, chủ quán tạp hóa ngay đầu xóm cho hay: Nếu không đến xóm vào buổi trưa hay buổi tối thì rất khó gặp được ai ở nhà vì mùa này bà con hầu hết đều đi vào rẫy để thu hoch ngô. Đất nông nghiệp hạn chế, người dân Bản Lác 2 đã tận dụng diện tích đất vườn bãi để trồng ngô. Những nương ngô được trồng trên tận trên những đỉnh núi cao, có khi cách nhà từ 2 đến 3 km. Các giống ngô cũ năng suất thấp trước đây đã được bà con dần thay bằng những giống ngô lai như: DK4300, NK4300, LVN99 năng suất cao và ổn định hơn.

 

Bản Lác 2 hầu như gia đình nào cũng trồng ngô, hàng năm sản lượng ngô của toàn xóm đạt trung bình từ 60 đến 70 tấn. Ông Ma Văn Soan, Trưởng xóm Bản Lác 2 cho biết: phần lớn các gia đình trong xóm đều chăn nuôi lợn, mỗi gia đình trung bình có từ 3 đến 5 con, do tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có nên chăn nuôi rất hiệu quả. Nhiều gia đình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi đã vươn lên khá giả như gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên, hàng năm thu hoạch từ 4 đến 5 tấn ngô, kết hợp chăn nuôi bò và lợn cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng. Với 13,7 đất nông nghiệp, toàn bộ các giống lúa cũ đã được bà con thay thế lúa bao thai thương phẩm có giá trị hơn từ 1,3 đến 1,5 lần lúa thường. Do đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp nên lúa bao thai Bản Lác có chất lượng cao và rất được ưa chuộng, phần lớn sản lượng lúa này được các lái buôn tận thành phố lên đặt mua. Đáng chú ý, toàn bộ các khâu trong trong sản xuất nông nghip như: làm đất, thu hoạch… đã được bà con dần cơ giới hóa, cả xóm đã có 12 máy nông nghiệp phục vụ sản xuất.

 

Không chỉ dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, trong những năm gần đây Bản Lác 2 đã có nhiều gia đình phát triển các ngành nghề phụ và dịch vụ sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Hòa, Bí thư Chi bộ, cũng là gia đình có kinh tế khá trong xóm cho biết: Năm 2007, nhận thấy nhu cầu vận tải ở địa phương lớn, tôi đã mạnh dạn vay trên 200 triệu đồng vốn từ Ngân hàng nông nghiệp & PTNT để mua xe vận tải phục vụ bà con. Từ chiếc xe tải ông phát triển dịch vụ xay xát gạo, vận chuyển vật liệu xây dựng và phân bón cho bà con trong xóm. Nhờ đi tiên phong, dịch vụ vận tải của ông luôn có nhiều khách hàng, kết hợp với phát trin nông nghiệp đến nay ông đã cơ bản trả hết nợ ngân hàng, thu nhập hàng năm của gia đình đạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tạo việc làm thời vụ cho từ 2 đến 4 lao động.

 

Ông Phan Thanh Hòa, dân tộc Tày cũng là gia đình phát triển ngành dịch vụ vận tải. Sau khi có cơ chế cấm xe công nông, ông đã vay tiền ngân hàng, kết hợp với vốn tích lũy được mua xe tải trị giá 160 triệu đồng, kết hợp với dịch vụ cho thuê đồ đám cưới, mỗi tháng ông thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng. Hiện, toàn xóm đã có gần chục gia đình làm các dịch vụ: vận tải, xay xát và buôn bán. Ông Ma Văn Soan phấn khởi thông báo thêm: Đời sống của bà con trong xóm đang đổi thay từng ngày, số hộ nghèo của xóm đã giảm từ 15 hộ (năm 2005) xuống còn 7 hộ hiện nay, chiếm tỷ lệ 14% (là xóm có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trên địa bàn xã), 45/50 gia đình  trong xóm đã có nhà xây kiên cố, 95% số hộ trong xóm đã có tivi, xe máy…

 

Có được sự chuyển biến tích cực trong đời sống như vậy là do sự hoạt động tích cực và hiệu quả của các ban ngành, sự đoàn kết tương trợ của người dân trong xóm. Chi bộ Bản Lác 2 luôn có sự chỉ đạo cụ thể, sát sao trong phát triển kinh tế. Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xóm thường xuyên sinh hoạt để phổ biến những kiến thức mới đến với hội viên… Đặc biệt, Bản Lác 2 đã duy trì thành tích 17 năm không có người sinh con thứ ba, 100% trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, xóm không người mắc các tệ nạn xã hội. Từ năm 2005 đến nay, Bản Lác 2 liên tục được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh.