Đồng Hỷ phát triển cây chè

10:58, 12/01/2010

Hiện nay, huyện Đồng Hỷ có gần 2.600ha chè, tập trung chủ yếu ở một số xã như Khe Mo, Minh Lập, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu… Xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn nên những năm qua, huyện rất quan tâm phát triển cây chè.

Về Khe Mo vào một ngày mùa đông - mùa khô hạn nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là những đồi chè ở đây vẫn xanh ngăn ngắt, có những vạt chè, búp trổ non mỡn. Đi sâu vào trong các xóm, chúng tôi đã lý giải được những thắc mắc của mình bởi trên đường đi chúng tôi luôn bắt gặp những người nông dân đang cần mẫn tưới tắm, chăm bẵm cho những đồi chè của gia đình. Vừa nhanh tay tưới cho những luống chè, vừa trò truyện với chúng tôi, chị Đặng Thị Nga ở xóm Khe Mo 1 cho biết: Gia đình tôi có gần 1 mẫu chè nhưng chỉ có 3 sào nằm gần suối là sản xuất được chè vụ đông. Tuy vậy, thu nhập từ 3 sào chè vụ đông cao bằng 1 mẫu chè chính vụ vì mùa này, giá chè cao gấp 2, 3 thậm chí là 4, 5 lần so với lúc chính vụ, có lúc 1kg chè đông có giá bán 100 - 150 nghìn đồng, trong khi lúc chính vụ chỉ bán được 20 đến 50 nghìn đồng. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Khe Mo hiện có trên 250ha chè, trong đó diện tích chè cành giống LDP1, TRI 777… chiếm khoảng 20%.

 

Cùng với việc chuyển đổi các diện tích cho năng suất thấp sang trồng các giống chè cành năng suất, chất lượng cao, người dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh hiện có nên năng suất chè bình quân của xã đã tăng từ 80 tạ/ha năm 2006 lên 95 tạ/ha hiện nay. Bên cạnh đó, bà con còn tích cực sản xuất chè vụ đông ở những diện tích thuận tiện nước tưới nên thu nhập từ chè đã và đang trở thành nguồn thu nhập chính của 1.000/1.469 hộ dân trong xã.

 

 Không chỉ Khe Mo mà xã Văn Hán cũng đang phát triển rất mạnh cây chè. Từ năm 2005 trở lại đây, mỗi năm xã trồng mới, trồng lại khoảng 5-10ha bằng các giống chè cành nên đến nay, diện tích chè của toàn xã là 300ha. Với năng suất trung bình đạt trên 90 tạ/ha, mỗi năm, Văn Hán cung cấp cho các nhà máy chế biến chè khoảng trên 200 tấn chè búp tươi. Đầu ra của cây chè ổn định, đời sống người dân trồng chè ở Văn Hán đã được cải thiện rất nhiều.

 

Hiện nay, huyện có gần 2.600ha chè, tập trung chủ yếu ở một số xã như Khe Mo, Minh Lập, Hòa Bình và thị trấn Sông Cầu… Xác định cây chè là cây kinh tế mũi nhọn nên những năm qua, huyện rất quan tâm phát triển cây chè. Để nâng cao năng suất, chất lượng, huyện đã chỉ đạo các xã tích cực đưa các giống chè cành như LDP1, Tri 777, Phúc Vân Tiên, Am Tích… vào trồng mới, trồng thay thế những diện tích chè trung du đã thoái hóa, xuống cấp; tạo mọi điều kiện cho người dân được vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư thâm canh cũng như mua máy móc phục vụ chế biến chè… Từ năm 2001 đến nay, Đồng Hỷ đã trồng mới được 600 ha chè cành các loại; tập trung đầu tư thâm canh trên 2.000 ha chè kinh doanh nên năng suất chè bình quân hiện tại của huyện đã đạt gần 98 tạ/ha, tăng hàng chục tạ/ha so với cách đây 5 năm. Khi năng suất chè ngày càng tăng, bà con đã chuyển từ chế biến chè thủ công sang chế biến bằng các loại máy móc. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.000 tôn sao chè quay tay, hơn 5.200 tôn sao chè động cơ, 5.600 máy vò chè và 34 máy hái chè, góp phần giảm công lao động và nâng cao chất lượng chè thành phẩm.

 

Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện cho các làng nghề sản xuất chè lâu năm được tham quan, học hỏi kinh nghiệm các làng nghề sản xuất chè nổi tiếng trong tỉnh; tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại do tỉnh, huyện tổ chức… Nhờ đó, sản phẩm chè do bà con làm ra đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, trong đó phải kể đến sản phẩm chè Trại Cài (Minh Lập). Với hương vị thơm ngon và nổi tiếng không khác gì chè La Bằng (Đại Từ), Khe Cốc (Tức Tranh), Tân Cương (Thái Nguyên), chè Trại Cài sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó... Trong cuộc thi Ngày hội chè Thái Nguyên, chè Trại Cài cũng đã được mời tham gia và vinh dự đoạt giải cao trong các phần thi.

 

Để cây chè ngày càng phát triển, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, năm 2010, huyện Đồng Hỷ phấn đấu trồng mới, trồng lại 50 ha chè, năng suất đạt 100 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 24,2 nghìn tấn. Nhằm thực hiện được mục tiêu này, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các hộ cá nhân làm vườn ươm nhân giống chè cành tại chỗ, cân đối lượng giống, chủng loại giống chè phục vụ nhu cầu của người dân trong huyện. Theo đó, hướng dẫn bà con thiết kế nương chè, chuẩn bị đất, bón phân từ đầu năm; rà soát các nương chè đã già cỗi xuống cấp để trồng lại; mở các lớp tập huấn về trồng, chăm bón chè… cho người dân tham gia; duy trì các mô hình trình diễn về sản xuất, thâm cành chè an toàn…