Đủ hàng hoá đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân

09:05, 28/01/2010

Theo dự báo của ngành Công thương: Mặc dù đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, chi tiêu theo hướng tiết kiệm hơn, song dự báo trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, sức mua của người dân sẽ tăng khoảng 20% so với tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009

 

Dự báo khả năng tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong Quý I/2010 ước đạt 2.133 tỷ đồng so với Quý I-2009 ( tăng khoảng 1.777,8 tỷ đồng). So với Tết Nguyên đán năm 2009, lượng hàng hoá thực phẩm thiết yếu như: thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau quả, bánh mứt kẹo, hoa quả các loại sẽ tăng trên 20%. Các hàng hoá khác như: hàng điện tử, may mặc, trang trí nội thất, xăng dầu, gas, hàng chính sách phục vụ miền núi bán ra tăng khoảng 15%. Dự kiến lượng tiêu thụ hàng hoá trong dịp Tết sẽ tập trung vào các mặt hàng như: gạo các loại 16.320 tấn; thịt gia súc, gia cầm 8.160 tấn; bánh, mứt, kẹo các loại 480 tấn, rượu, bia, nước ngọt 205 nghìn lít; muối i-ốt 840 tấn, dầu hoả 140 tấn; đường kính 144 tấn, dầu ăn 144 tấn; thực phẩm chế biến khác 205 tấn…

 

Để chuẩn bị cho một cái tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, góp phần bình ổn giá cả thị trường, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Tết Canh Dần năm 2010 do đồng chí Vũ Hồng Bắc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; các đồng chí: Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phó ban, đồng chí Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công thương - Phó Ban Thường trực và 21 đồng chí là lãnh đạo các sở, ban ngành là thành viên. Ban chỉ đạo đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai cho nhân dân đón Tết với 24 đầu công việc và Sở Công thương đề xuất thành lập Đội kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến huyện. Đội có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, góp phần ổn định thị trường trong dịp Tết và xác định một số địa bàn trọng tâm để kiểm tra đến hết Tết Nguyên đán. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Đảm bảo bình ổn giá, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ, găm hàng; đảm bảo chất lượng hàng hoá, vệ sinh an toàn thực phẩm; chống buôn lậu, hàng cấm (đặc biệt là pháo nổ); kiểm tra hoạt động thu đổi ngoại tệ.

 

Hiện nay, các Đội liên ngành đã được thành lập và đang triển khai các nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, Sở Công thương đã có nhiều hoạt động tích cực như: hưởng ứng chương trình bán hàng: "Đưa hàng Việt về nông thôn” và thực hiện tại 4 xã vùng sâu, vùng xa thuộc 4 huyện (Phú Bình, Phổ Yên, Võ Nhai, Đại Từ), mỗi nơi tổ chức 3 ngày; các phiên chợ diễn ra  trong tháng 1/2009 và kết thúc là tổ chức Hội chợ xuân Thái Nguyên 2010” tại Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao, với chủ đề “Tưng bừng đón xuân ưu tiên hàng Việt”. Từ đó, đã tạo không khí mua sắm đông vui, nhộn nhịp; giãn tốc độ mua sắm dồn vào giáp Tết. Bên cạnh đó, để góp phần bình ổn giá, Sở đã lựa chọn 6 mặt hàng thiết yếu đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ vốn vay với lãi suất 0% để các doanh nghiệp chủ động được từ 25 đến 30% lượng dự trữ, cung ứng trên thị trường  như: Bánh, mứt, kẹo các loại; rượu, bia, nước ngọt; muối iốt; dầu hoả, thực phẩm chế biến và một số hàng khác. Tổng số vốn đề nghị hỗ trợ là 14 tỷ đồng. Đồng thời, lựa chọn 5 doanh nghiệp có trụ sở tại địa bàn tỉnh do UBND tỉnh quản lý; có đủ năng lực sản xuất kinh doanh, có hàng hoá tham gia thị trường với số lượng lớn, xuyên suốt, ổn định trong năm với hệ thống phân phối rộng. Vì vậy, ngay trong tháng 12/2009, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị dự trữ lượng hàng hoá cần thiết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.

 

Theo số liệu báo cáo của Cục Thống kê, đến hết tháng 12/2009, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn đã dự trữ trên 16 nghìn 320 tấn gạo; 8,16 tấn thịt gia súc, gia cầm; 480 tấn bánh mứt  kẹo các loại; 205 nghìn lít rượu, bia, nước ngọt; 480 tấn muối iốt; 140 tấn dầu hoả; 144 tấn được kính; thực phẩm chế biến khác 205 tấn; 150 tấn dầu ăn; ngoài ra còn có các hàng hoá khác với giá trị gần 3 tỷ đồng…Đó là chưa kể các hộ kinh doanh cá thể cùng kinh doanh thương mại và lượng hàng hoá còn tiếp tục được các tổ chức, cá nhân tiếp tục khai thác để bán ra trong dịp Tết.

 

Đồng chí Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công thương cho biết: So với dịp Tết Nguyên đán năm 2009 thì khối lượng hàng hoá và giá trị hàng hoá dự trữ Tết năm 2010 tăng cao so với năm ngoái; kể cả kinh phí UBND tỉnh cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ hàng hoá cũng tăng so với năm 2009 là 2 tỷ đồng. Như vậy, so với nhu cầu dự báo thì lượng hàng hoá phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán 2010 sẽ đáp ứng nhu cầu của người dân. Các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường và Đội liên ngành sẽ vào cuộc tích cực để kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại để bảo vệ nhà sản xuất và người tiêu dùng.