Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay, huyện Đại Từ gieo cấy 5.687ha lúa, trong đó 1.800ha lúa lai. Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & PTNT, đến nay, các xã, thị trấn mới đăng ký khoảng 1.700ha lúa lai, bằng 96% so với kế hoạch; đến ngày 11/1, toàn huyện mới cung ứng được 14/504 tấn lúa lai, bằng 28,4% so với kế hoạch.
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Tiến độ đăng ký, cung ứng giống lúa lai trên địa bàn như vậy là chậm, nếu cứ theo kế hoạch đăng ký gieo cấy lúa lai của các xã, thị trấn thì diện tích lúa lai vụ xuân năm nay huyện chỉ đạo sẽ khó thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu là do một số xã thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo người dân gieo cấy lúa lai. Thậm chí ở một số địa phương, lãnh đạo xã còn giao phó nhiệm vụ này cho cán bộ khuyến nông phụ trách nên cán bộ khuyến nông đã tự ý xây dựng kế hoạch này thấp hơn so với chỉ tiêu huyện giao vì lo không hoàn thành nhiệm vụ…
Trước thực tế trên, mới đây, Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện Đại Từ đã có cuộc họp triển khai chỉ đạo sản xuất vụ xuân. Ngoài việc tích cực tuyên truyền về hiệu quả của cây lúa lai, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Cùng với đó, ngày 11/1, UBND huyện đã có Quyết định số 153/QĐ-UBND về việc ban hành quy định thi đua khen thưởng đột xuất về “Lĩnh vực triển khai gieo cấy lúa lai trong sản xuất lương thực năm 2010”. Đối tượng khen thưởng là ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp các xã, thị trấn và các xóm triển khai thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch gieo cấy lúa lai. Mức khen thưởng được huyện đưa ra: thưởng 50 nghìn đồng/ha đối với xã hoàn thành 100% kế hoạch gieo cấy lúa lai trở lên; thưởng 50 nghìn đồng/ha đối với các xóm hoàn thành 100% kế hoạch gieo cấy lúa lai trở lên. Đặc biệt huyện khuyến khích thưởng thêm cho các xã, thị trấn có diện tích gieo cấy lúa lai từ 30ha trở lên, nếu hoàn thành vượt chỉ tiêu gieo cấy lúa lai từ 5 đến 10% thì được thưởng thêm 500 nghìn đồng, nếu vượt trên 10% thì thưởng thêm 1 triệu đồng. Tổng số tiền thưởng tối đa không quá 5 triệu đồng/xã và 500 nghìn đồng/xóm.
Không chỉ gặp khó khăn trong việc đăng ký, cung ứng giống lúa lai, vụ xuân này, huyện Đại Từ còn phải “gồng mình” trong công tác chống hạn. Trên cánh đồng xóm Trại Che, xã Phú Lạc, chị Lưu Thị Đào cho biết: Gia đình tôi có 3 sào ruộng. Mọi năm thời tiết thuận lợi, vào thời điểm này gia đình tôi đã làm đất và chuẩn bị cấy lúa xuân. Nhưng năm nay, thời tiết hạn hán, đến bây giờ vẫn chưa có nước để làm đất nên gia đình tôi có lẽ phải chuyển sang trồng màu.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 79 công trình thuỷ lợi do huyện và xã quản lý; 17 công trình do Trạm khai thác thuỷ lợi quản lý. Hàng năm, các công trình này đảm bảo tưới chủ động cho gần 4.300 ha lúa. Tuy nhiên, do lượng mưa năm 2009 thấp so với trung bình hàng năm nên nguồn nước sinh thuỷ tự nhiên ở các triền núi, trên các dòng suối, khe lạch hiện bị thiếu nghiêm trọng, nguồn nước tại các hồ chứa cũng bị giảm so với cùng kỳ nhiều năm khiến diện tích bị hạn trên địa bàn toàn huyện lên gần 2.300 ha. Trước tình hình trên, huyện Đại Từ đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn vụ xuân năm 2010 tập trung vào các biện pháp: tăng cường công tác quản lý, đánh giá khả năng nguồn nước thực tế tại các hồ chứa nước của các công trình thuỷ lợi; có lịch chi tiết, cụ thể điều tiết nước tại các hồ chứa đảm bảo cấy hết diện tích; thực hiện triệt để việc tiết kiệm nước tưới cho cây màu vụ đông 2009 để chủ động dự trữ nước phục vụ cho sản xuất vụ xuân 2010; quản lý chặt chẽ các nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước, mất nước ở các công trình thuỷ lợi, đặc biệt cấm tháo nước các hồ chứa, ao, đập dâng, để bắt cá trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Cùng với đó, huyện đã tiến hành kiểm tra lập biên bản yêu cầu dừng tháo nước của 26 công trình hồ chứa nước trên địa bàn toàn huyện, trong đó có 6 công trình do Trạm Khai thác thuỷ lợi quản lý, 20 công trình do huyện quản lý; tiến hành duy tu, sửa chữa các máy bơm phục vụ cho công tác chống hạn; chỉ đạo các xã, thị trấn tận dụng các nguồn nước từ các vai, đập để tháo ngay vào ruộng không để lãng phí nước…