Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2010

09:08, 03/01/2010

Theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, ưu tiên hàng đầu hiện nay là một chính sách tiền tệ ổn định, bền vững, nơi mà doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất an toàn, không gây ra lạm phát.  

Theo phân tích của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong khi những vấn đề phát sinh đang gây ra rất nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ trong việc duy trì, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế, nhất là cán cân cung cầu tiền tệ, ổn định lãi suất và tỷ giá. Do đó, theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, ưu tiên hàng đầu hiện nay là một chính sách tiền tệ ổn định, bền vững, nơi mà doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất an toàn, không gây ra lạm phát. Và trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông cũng “phác thảo” một kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2010.

 

Giảm nhập siêu

 

Lĩnh vực xuất, nhập khẩu là mối quan tâm lớn nhất của ông Bùi Kiến Thành và chuyên gia này bày tỏ mối quan tâm hàng đầu là giảm nhập siêu. Và giải pháp đầu tiên là cần nghiên cứu ưu thế tương đối của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam. Phát huy các lĩnh vực có ưu thế bằng các chính sách như: cho vay lãi suất thấp để làm hàng xuất khẩu, có thế chấp bằng hợp đồng xuất khẩu, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoặc thuế nhập khẩu trên nguyên liệu cấu thành sản phẩm, giảm thuế lợi tức doanh nghiệp trên kết quả kinh doanh... Bằng mọi phương thức có thể, giảm chi phí đầu vào.

 

Đối với lĩnh vực nhập khẩu, ông Thành cho rằng, cần hạn chế đến mức thấp nhất các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ hoặc “bán phá giá” để xâm chiếm thị trường nội địa.

 

Mặt khác, để hỗ trợ các hoạt động phát triển thị trường nội địa thì điều quan trọng nhất là nghiên cứu các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu; nghiên cứu các chủng loại hàng có khả năng phát triển mạnh trên thị trường nội địa; khuyến khích xí nghiệp chuyển đổi công suất và chủng loại hàng xuất khẩu để thích ứng với nhu cầu thị trường nội địa; áp dụng những chính sách khuyến khích đầu tư thích hợp.

 

 

Chủ động nguồn vốn

 

Ông Bùi Kiến Thành cho rằng cần xem lại cách nhìn và chiến lược đối với đầu tư nước ngoài. Thay vì thúc đẩy kêu gọi đầu tư trực tiếp, cần nhanh chóng tổ chức hệ thống các quỹ đầu tư gián tiếp, tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn, huy động vốn với số lượng lớn, có thể là 10 đến 20 tỷ USD mỗi năm, để đưa về đầu tư phát triển những dự án tốt mà do ta quản lý.

 

Theo ước tính của nhiều chuyên gia, trong 10 năm tới Việt Nam cần từ 500 tỷ USD và hơn thế nữa để phát triển. Thực tế, trong tổng số vốn đầu tư cho một dự án khoảng 70 - 80% là vốn vay, phần vốn tự có thường chỉ chiếm từ 20 - 30%. Nếu Việt Nam tự huy động được 100 tỷ USD vốn tự có, tự xây dựng và phát triển dự án, thì tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm xuống đến một mức tương đối an toàn. Như vậy, Việt Nam không nhất thiết phải phát triển theo mô hình kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như hiện nay.

 

Mặt khác, Việt Nam có chủ quyền tiền tệ, NHNN có chức năng phát hành tiền tệ và tín dụng. Trong phạm vi đồng nội tệ, NHNN có khả năng chiết khấu và tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng thương mại để ngân hàng thương mại cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững. NHNN có nhiệm vụ theo dõi lưu lượng tín dụng, giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng tư nhân, không để xảy ra lạm phát, hay thiểu phát. NHNN cần phải có được một cơ chế hoạt động phù hợp để phát huy đầy đủ chức năng và nhiệm vụ của mình.

 

 

Bên cạnh những giải pháp nhằm chủ động nguồn vốn, ông Thành cũng cho rằng phải giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, thực hiện đúng quy định của “Luật Các tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay”. Khách hàng phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật. Tất cả mọi đối tượng doanh nghiệp sẽ được đối xử bình đẳng. Việc cho vay vốn dựa trên các tiêu chí khách quan của từng dự án. Ngắn hạn hay dài hạn tùy theo lịch trình phát triển kinh doanh. Xóa bỏ cơ chế “xin cho” và những tiêu chí phức tạp làm nảy sinh tiêu cực. Làm sao để cho không một dự án nào khả thi mà lại bị thiếu vốn phát triển. Hiện nay, trong nhiều lĩnh vực, nhiều cấp bậc, từ Trung ương đến địa phương, không ít dự án sáng tạo, khả thi, được giám định là có tiềm năng và có thị trường, nhưng không được cung cấp vốn để phát triển. Đây là một sự bất cập, mất mát lớn, lãng phí tư duy sáng tạo của nhân dân.

 

Nông thôn là nền móng cho phát triển

 

Tạo điều kiện để 70% dân số là nông dân ăn nên làm ra cũng là yếu tố mà chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh trong kịch bản của nền kinh tế Việt Nam năm 2010. Theo ông Thành, tạo cho nông thôn có được lợi thế phát triển bằng những chính sách tín dụng, tài chính, hỗ trợ giống tốt, thủy lợi tốt, hạ tầng cơ sở tốt. Hiệu suất lao động ở nông thôn hiện nay rất là thấp, phải làm tất cả để tăng hiệu quả lao động, nâng cao công suất. Nếu nông thôn phát triển tốt sẽ kích cầu tốt, cả nền kinh tế cùng phát triển theo. Rồi sau đó sẽ dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp. Ông Thành bình luận: Một đất nước với hơn 80 triệu dân là một lợi thế mà cũng là một trách nhiệm. Nếu Nhà nước không có chính sách và quyết tâm xây dựng nông thôn để làm hậu thuẫn và nền móng cho phát triển, chúng ta tất sẽ bị tụt hậu.

 

Cuối cùng, một yếu tố khác trong kịch bản kinh tế Việt Nam 2010, theo ông Thành là vấn đề tái cấu trúc doanh nghiệp. Ông Thành cho rằng trong mọi môi trường hoạt động kinh doanh, tự vượt lên là nhiệm vụ của mỗi doanh nghiệp. Do đó, tái cấu trúc doanh nghiệp phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Mỗi doanh nghiệp phải xem lại bản thân, các điểm yếu cũng như các điểm mạnh, từ nhân sự đến sản phẩm, thị trường. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần hướng đến giai đoạn phát triển cao hơn, trong đó tăng trưởng phải dựa vào nâng cao năng suất, chất lượng.