Ngành thép “lội” ngược dòng

09:55, 25/01/2010

Kết thúc năm 2009, ngành thép được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp nặng có mức tăng trưởng cao nhất, sản xuất tăng 25% so với năm 2008 và tiêu thụ tăng 30%. Tuy nhiên, năm 2010 dự báo vẫn còn một số khó khăn về giá "đầu vào", về tình trạng nhập khẩu thép cuộn cán nguội giá rẻ...

Nhu cầu thép đã thoát khỏi "đáy"

 

Đầu năm 2009, nhiều chuyên gia nhận định ngành thép gặp khó khăn hơn năm 2008, bởi vào thời điểm đó nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và kinh doanh (SX-KD) thép đang còn tồn kho lớn nguyên liệu với giá cao gấp 3 lần so với thời giá năm 2008. Nếu tiếp tục SX, hầu hết các DN buộc phải bán dưới giá thành và chịu lỗ lớn (thép xây dựng từ mức giá bán gần 20 triệu đồng/tấn xuống còn 7-9 triệu đồng/tấn). Bên cạnh đó, do lãi suất cao và sợ rủi ro, nên nhiều ngân hàng đã siết chặt cho vay với các DN SX-KD thép. Vì thế, ngành thép lâm vào tình cảnh khốn đốn. Một số DN phải ngừng SX mấy tháng liền hoặc SX gián đoạn để giảm tồn kho.

 

Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN để khôi phục và phát triển SX, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Ngành thép được Chính phủ và các ngành chức năng áp dụng một số giải pháp, như tăng thuế nhập khẩu phôi thép từ 5% lên 8%; thuế nhập khẩu thép xây dựng thành phẩm từ 12% lên 15%; thép cán nguội từ 7% lên 8%; thép lá mạ kẽm và sơn phủ màu từ 12% lên 13%. Để ngăn chặn gian lận thương mại, Chính phủ cũng đồng tình tăng thuế nhập khẩu thép cuộn chứa hợp kim Bo dùng làm thép xây dựng từ 0% lên 10%; thuế nhập khẩu cáp thép tăng từ 0% lên 3%. Cùng với đó là chính sách giữ ổn định tỷ giá VND/USD; ưu tiên cung cấp USD cho nhập khẩu phôi thép, thép phế và một số vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong nước; cho vay với lãi suất ưu đãi để duy trì SX. Các ngân hàng cũng cho giãn nợ, giúp DN vượt qua thời kỳ khó khăn. Đặc biệt, Nhà nước đã thực hiện gói kích thích kinh tế, triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng nhà ở nông thôn, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, cho người có thu nhập thấp, sinh viên… là những công trình có nhiều nhu cầu về thép để hỗ trợ DN duy trì SX.

 

Nhờ hàng loạt giải pháp đồng bộ của Chính phủ, kinh tế trong nước đã được phục hồi và có mức tăng trưởng trở lại, các dự án đầu tư sau khi rà soát lại được tiếp tục triển khai, ngành cung ứng vật liệu, trong đó có ngành thép đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2009, tiêu thụ thép sản xuất trong nước tăng mạnh, có lúc tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Với nỗ lực của các DN và chính sách hợp lý của Chính phủ, ngành thép đã "lội ngược dòng" để duy trì và phát triển SX. Kết thúc năm 2009, ước SX toàn ngành đã tăng 25%, tiêu thụ tăng 30% so với năm trước. Hầu hết các công ty trong Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đều duy trì được mức tăng trưởng cao so với năm 2008. Các công trình đầu tư vẫn được khiển khai ở nhiều công ty trong VSA như VnSteel, Thép Việt, Hòa Phát, Việt Ý…

 

Theo VSA, nhu cầu thép đã thoát khỏi "đáy". Đây là một dấu hiệu tốt cho ngành thép. Kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi trong năm 2010, ngành thép sẽ tăng trưởng do tác động của các biện pháp kích cầu của Chính phủ.

 

Cần biện pháp bảo vệ hàng nội

 

Mặc dù kết quả SX-KD năm 2009 có nhiều khả quan, nhưng dự báo năm 2010, ngành thép sẽ gặp một số khó khăn mới như giá nguyên liệu quặng sắt, than, dầu, phôi thép, thép phế, điện năng và một số loại nguyên liệu khác cao hơn giá năm 2009; sẽ có một số sản phẩm thép theo lộ trình quy định WTO sẽ không còn được hưởng ưu đãi và bảo hộ cao về thuế nhập khẩu, tính cạnh tranh với sản phẩm thép nhập khẩu sẽ khốc liệt hơn; một số dự án mới về thép đi vào SX chính thức làm cho sự mất cân đối giữa nguồn cung và mức tiêu thụ của thị trường càng cách xa, dẫn đến cạnh tranh quyết liệt giữa các thành phần kinh tế ở thị trường trong nước, nhất là với sản phẩm thép xây dựng, cuộn cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại, sơn phủ màu… Vì thế, dự báo năm 2010, giá thép trong nước sẽ tăng do giá các nguyên liệu "đầu vào" tăng, nhưng sẽ không tăng đột biến. Bên cạnh đó, thép cuộn cán nguội giá rẻ của nước ngoài tiếp tục xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Để bảo vệ thép cuộn cán nguội trong nước, VSA đã có công văn gửi các ngành chức năng về việc bảo vệ thép cán nguội trong nước và đề xuất một số biện pháp ngăn chặn thép cuộn cán nguội nước ngoài kịp thời. Đồng thời, VSA đề nghị triển khai ngay việc rà soát lại các công ty nhập khẩu và ban hành các quy định chặt chẽ về thủ tục khai báo hải quan để tránh tình trạng nhập ồ ạt với số lượng lớn hoặc gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng không để các công ty tận dụng lãi suất ưu đãi của ngân hàng để nhập sản phẩm thép mà trong nước đã sản xuất dư thừa. Mặt khác, Bộ Công thương cũng cần hướng dẫn các công ty sản xuất thép cán nguội thu thập số liệu, chứng cứ để có thể tiến hành biện pháp tự vệ theo luật thương mại quốc tế, nhằm bảo vệ ngành sản xuất thép cuộn cán nguội trong nước. Cùng với đó, các DN sản xuất thép cũng đề xuất xây dựng hàng rào kỹ thuật và ban hành các chính sách để bảo hộ hàng SX trong nước theo đúng lộ trình cam kết WTO.