Xã Tân Thịnh (Định Hóa) có 200 ha đất nông nghiệp, trong khi đó thủy lợi chỉ đáp ứng được 30% diện tích nên nhiều năm qua năng suất, sản lượng cây lương thực của xã đạt thấp, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Phát huy lợi thế từ đất rừng, Tân Thịnh đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, triển khai phong trào trồng rừng tới từng hộ dân…
Từ năm 2000 đến nay, xã đã phủ xanh được trên 2.000 ha rừng, đến nay có gần một nửa diện tích đã cho khai thác. Đời sống của người dân nhờ vậy ngày càng được cải thiện…
Đến thăm xóm Làng Ngõa, chúng tôi được chứng kiến đời sống của nhân dân nơi đây đang từng bước đi lên. Anh Bùi Công Toàn, trưởng xóm Làng Ngõa hồ hởi nói với chúng tôi: “Hiện trong xóm chỉ còn 12/59 hộ nghèo (giảm 12 hộ so với năm 2006), mức thu nhập bình quân đạt gần 7 triệu đồng/người (tăng hơn 3 triệu đồng/người/năm so với năm 2006)”. Nhớ lại những năm trước, do diện tích đất nông nghiệp ít (6,5 ha cấy lúa và hơn 4 ha cây màu), lại bạc màu và cằn cỗi nên năng suất, sản lượng thấp. Nhờ sự chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền địa phương, từ năm 2000, bà con trong xóm đã đẩy mạnh công tác trồng rừng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, các hộ dân đầu tư mua giống sắn cao sản KM94 tận Lào Cai trồng xen vào diện tích keo, mỡ khi chúng chưa ra tán. Nhiều hộ đã có thu nhập cao từ giống sắn này như gia đình anh Phạm Tiến Mạnh, anh Bùi Công Toàn mỗi năm thu hoạch hàng tấn sắn, thu lãi gần 30 triệu đồng. Trong xóm 100% các hộ dân đều tham gia trồng rừng, trung bình mỗi hộ có khoảng gần 4 ha đất rừng. Nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng như gia đình anh Lường Đức Bê có gần 10 ha keo, mỡ; gia đình anh Lường Thanh Trung có trên 10 ha rừng…
Không chỉ ở Làng Ngõa mà 16/22 xóm (chiếm 100%) các xóm có diện tích rừng ở Tân Thịnh đều đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó chú trọng trồng keo lai, cây mỡ, chè. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy cấp trên, mỗi năm xã Tân Thịnh vận động, tuyên truyền người dân trồng mới 130 ha rừng, nâng cao ý thức giữ gìn, quản lý và bảo vệ rừng. Cùng với đó, chính quyền đoàn thể đã đứng ra tín chấp cho nông dân vay trên 100 tấn phân bón trả chậm. Đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức hàng chục buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho gần 1 nghìn lượt người dân tham gia, hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng…
Đến nay diện tích rừng keo lai, mỡ của Tân Thịnh đều đang phát triển tốt, ước tính mỗi ha keo sẽ cho thu lãi trên dưới 40 triệu đồng. Các xóm có diện tích trồng keo, mỡ nhiều như xóm Làng Ngõa, Nà Chúa, Bắc Cập, Khuổi Lừa, Nà Lèo… Ngoài trồng theo Dự án 661, các xóm còn đưa ra nghị quyết: mỗi năm hoàn thành phủ xanh trên 10 ha đất rừng. Đã 10 năm nay các xóm ở Tân Thịnh đều thực hiện tốt, thậm chí vượt chỉ tiêu. Những xóm như Đồng Tốc, Đồng Đình, Bắp Cầu không có đất rừng thì tận dụng diện tích đất đồi để trồng chè, nâng cao thu nhập. Thực hiện Đề án phát triển vùng chè 2005-2010 của huyện Định Hoá, Tân Thịnh đã trồng mới được trên 20 ha chè cành giống mới LDP1, TRI 777 trên tổng số hơn 70 ha chè hiện có của toàn xã.
Những năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ địa phương trong phát triển kinh tế nên cuộc sống của người dân xã Tân Thịnh ngày càng ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đi đáng kể: từ 386 hộ nghèo (năm 2006) đến nay chỉ còn trên 200 hộ. Thu nhập bình quân của người dân năm 2006 từ 3 triệu đồng/người/năm, đến nay đã đạt 6,5 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong xã đã đóng góp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ năm 2007 đến nay, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 13 km đường giao thông nông thôn đến các khu rừng sản xuất; xây mới 8 nhà văn hóa.