Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại

10:37, 14/01/2010

Theo quan niệm của nhiều hộ nông dân ở huyện Đồng Hỷ cấy lúa, trồng màu chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Muốn có tích luỹ phải đầu tư phát triển cây chè, trồng rừng hoặc chăn nuôi. Bởi vậy, để tăng thu nhập, chăn nuôi gia súc, gia cầm đang là sự lựa chọn của rất nhiều hộ nông dân Đồng Hỷ.

 

So với nhiều địa phương khác, Đồng Hỷ có điều kiện để phát triển chăn nuôi như: Nằm tiếp giáp với thành phố Thái Nguyên, thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; trình độ dân trí khá đồng đều nên người dân nhanh nhạy ứng dụng KHKT thuật vào chăn nuôi. Với sản lượng lương thực đạt trên 30 triệu tấn mỗi năm (riêng năm 2009 đạt gần 37 triệu tấn), người dân nơi đây có thể chủ động hoàn toàn về nguồn thức ăn chăn nuôi… Nắm bắt được những lợi thế trong phát triển chăn nuôi của địa phương nên 3 năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô khá lớn, theo hướng công nghiệp tập trung, đặc biệt là chăn nuôi lợn, gà.

 

Tại thời điểm này, huyện có 62 nghìn con lợn và 565.786 con gia cầm các loại. Trong đó, chủ yếu tập trung tại các trang trại và các điểm chăn nuôi tập trung. Trên địa bàn huyện có 31 trang trại phát triển khá mạnh, tập trung tại các xã Nam Hòa, Minh Lập; các thị trấn Trại Cau, Sông Cầu… Trong đó có 26 trang trại chăn nuôi gà hậu bị, gà thịt quy mô  4 đến 8 nghìn con; 5 trang trại nuôi lợn thịt, quy mô trên 100 con. Ngoài ra, còn có nhiều điểm chăn nuôi tập trung quy mô nhỏ 100-200 con gà, 20-50 con lợn. Bên cạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà, một số hộ dân đang có xu hướng đầu tư chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Điển hình như gia đình ông Lương Đình Thảo, một nông dân ở xóm Làng Phan, xã Linh Sơn, 3 năm nay đã mạnh dạn đầu tư nuôi 2 trâu nái và 3 bò nái, mỗi năm bán được 3, 4 con nghé và bê con, thu15 đến 20 triệu đồng. Ông Thảo cho biết: Nhờ mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi trâu, bò sinh sản nên kinh tế của gia đình ông không còn khó khăn, có điều kiện đầu tư cho các con ăn học.

 

Xác định chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập khá lớn, giúp nhiều hộ nông dân làm giàu nên huyện Đồng Hỷ rất chú trọng tới công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, những năm qua, huyện đã thường xuyên thực hiện tốt công tác ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh. Đầu năm 2009, huyện đã phối hợp với xã Hợp Tiến lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời nhằm ngăn chặn vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc và tránh cho Đồng Hỷ không bị lây lan dịch cúm gia cầm H5N1 từ các địa phương khác. Trong năm 2009, huyện đã cung ứng 842 lít hóa chất khử trùng, tiêu độc phun ở nơi công cộng, hộ chăn nuôi. Thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, trong đó đã tiêm được 19.210 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu bò, 31.650 liều dịch tả lợn, 7.475 liều vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc…

 

Ngoài làm tốt công tác bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, Đồng Hỷ còn tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiếp nhận các chương trình về chăn nuôi của Sở Nông nghiệp và PTNT và các tổ chức khác. Đồng thời, tích cực chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống, giám sát dịch, động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y tại các chợ và các điểm giết mổ trên địa bản. Nhờ đó, năm  2009, trên địa bàn huyện không xẩy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển chăn nuôi, giúp Đồng Hỷ nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp. Năm qua, giá trị thu được từ chăn nuôi của huyện là trên 176 tỷ đồng, tăng hơn 120 tỷ đồng so với năm 2005.

 

Để chăn nuôi trên địa bàn phát triển, năm 2010 huyện là phấn giá trị thu được từ chăn nuôi đạt trên 185 tỷ đồng. Theo đó, huyện đã đề ra các giải pháp như: Tạo điều kiện cho các hộ dân có nhu cầu đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại được vay vốn của Ngân hàng với lãi xuất ưu đãi, được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi gia súc, gia cầm; phấn đấu phát triển thêm 4 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn. Cùng với đó, huyện cũng đã hướng dẫn các chủ trang trại, chủ hộ chăn nuôi làm tốt công tác bảo vệ môi trường; nhắc nhở và yêu cầu các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại chưa đảm bảo điều kiện về vệ sinh môi trường khắc phục sự cố; tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và các vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tiến tới phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa…