Phát triển kinh tế đồi rừng ở Phú Tiến

08:20, 06/01/2010

Nói về kinh tế của địa phương trong những năm qua, đồng chí Ngô Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tiến (Định Hóa) thông báo: Xã luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10 đến 12%, tính riêng năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm được 9,2% (nằm trong nhóm những xã có tỷ lệ giảm cao nhất huyện). Để đạt được điều này, kinh tế đồi rừng của xã đã có những đóng góp quan trọng.

 

Dẫn chúng tôi tham quan vườn keo đang phát triển mơn mởn ngay giữa mùa đông, chị Nguyễn Thị Hà, xóm 6 cho biết: Gia đình tôi bắt đầu trồng rừng từ năm 1992, khi đó, gia đình chỉ chỉ có hơn 1ha rừng bạch đàn và cây tạp. Nhận thấy việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, từ đó đến nay chị Hà liên tục mở rộng diện tích rừng bằng việc mua lại đất rừng của những hộ gia đình có nhu cầu bán, đồng thời chị dần thay thế diện tích bạch đàn hiệu quả kinh tế thấp bằng cây keo lai nhanh lớn và hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, gia đình chị đã có trên 10ha rừng keo, trong đó có gần một nửa diện tích sắp cho khai thác.

 

Chị tâm sự:“ Có bao nhiêu vốn tích lũy từ công việc buôn bán trước đó tôi đầu tư hết cho trồng rừng, đầu tư lớn như vậy nhưng tôi biết chắc chắn trồng rừng sẽ không bị rủi ro". Để cây keo phát triển, chị Hà luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chặt chẽ. Đối với cây keo 2 năm đầu, mỗi năm chị bón 2 lần kết hợp phân đạm và NPK, mỗi gốc trung bình từ 100 đến 150g/lần. Bên cạnh đó, chị còn đầu tư máy phát cỏ và thường xuyên thuê 2 nhân công chăm sóc vườn rừng từ việc bón phân, làm cỏ và tỉa cành. Chính vì vậy, rừng của gia đình chị luôn phát triển tốt hơn so với những hộ lân cận. Vườn rừng đã cho gia đình chị những thu nhập ban đầu, năm 2008, chị thu về trên 50 triệu đồng từ khai thác 2 ha rừng bạch đàn cũ. Bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng xóm 7 cho biết: Cả xóm có 64 hộ dân thì tất cả đều có rừng, tổng diện tích rừng của xóm là gần 80ha (trong đó có khoảng trên 50% diện tích là rừng trồng). Bên cạnh gia đình chị Nguyễn Thị Hà, còn có nhiều gia đình có diện tích rừng lớn như: ông Nguyễn Văn Phi có 8 ha, ông Ma Đắc An có 7haĐáng chú ý, những năm gần đây, bà con trong xóm đã chuyển một phần diện tích chè già cỗi và cây ăn quả không hiệu quả sang trồng cây keo lai.

 

Ông Ngô Đại Dương, cán bộ nông- lâm nghiệp xã Phú Tiến cho hay: Phú Tiến hiện nay có khoảng 800 ha rừng (chiếm gần 60% diện tích tự nhiên), trong đó phần lớn là diện tích rừng trồng, 90% số hộ trong xã có kinh tế gia đình gắn với vườn rừng. Nhận thấy hiệu quả của vườn rừng nên bà con rất tích cực trong công tác trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng. Diện tích rừng trồng mới hàng năm luôn cao hơn so với kế hoạch được giao, cụ thể: năm 2009 xã trồng mới 40ha (hơn 5ha so với kế hoạch), năm 2008 trồng mới 40ha/ 35ha kế hoạch, năm 2007 trống mới 70ha/ 40 ha kế hoạch… Là xã nằm ở cửa ngõ của huyện Định Hóa, nên Phú Tiến có nhiều thuận lợi trong khai thác và nâng cao giá trị của vườn rừng.

 

Cùng với đẩy mạnh diện tích rừng trồng, Phú Tiến đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế dựa lợi thế từ rừng, điển hình là mô hình nuôi ong mật. Ông Nguyễn Văn Hiệp, xóm 6 cho biết: Gia đình ông bắt đầu nuôi ong từ cuối tháng 4-2008. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, nên ông chỉ đầu tư 3 thùng ong, vừa nuôi vừa học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đi trước. Tháng 10-2009, khi có đề án thành lập các nhóm sở thích chăn nuôi của Dự án “Phụ nữ thái nguyên phát triển kinh tế hợp tác” xóm 6 đã thành lập tổ sở thích nuôi ong với 21 hộ tham gia , các thành viên được hỗ trợ 2 thùng ong và được tập huấn kỹ thuật giáo viên từ Viện Nuôi ong Trung ương về dạy.

 

Nói về kiến thức nuôi ong, ông Hiệp kể vanh vách cho chúng tôi về cách thức chăm sóc, nhân đàn và lấy mật chất lượng tốt… Ông khẳng định: đây sẽ là mô hình chăn nuôi hiệu quả vì xã có diện tích rừng trồng lớn, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, đồng thời các gia đình nuôi ong đều đã nắm rõ được kỹ thuật. Bản thân ông Hiệp đã phát triển đàn ong của gia đình mình lên 9 đàn và đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa. Nuôi ong đã đem lại những tín hiệu khả quan, từ 3 đàn ong ban đầu ông Hiệp đã thu được trên 20 lít mật, với giá bán trung bình 100 nghìn đồng/lít .

 

Có thể khẳng định, lâm nghiệp và các hoạt động kinh tế dựa trên lợi thế về vườn đồi đang là hướng phát triển đúng đắn, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân ở xã Phú Tiến.