Thù Lâm đi lên từ nghề truyền thống

09:40, 13/01/2010

Thôn Thù Lâm, xã Tiên Phong (Phổ Yên) có 478 hộ với 2.530 nhân khẩu. Từ xa xưa, người dân Thù Lâm đã biết tận dụng tre nứa ở địa phương sản xuất nong, nia, dần, sàng, thúng… để phục vụ sinh hoạt và đem ra chợ bán.

 

Chúng tôi đến gia đình anh Tạ Văn Đài, xóm Đông Lâm - một gia đình làm nghề mây tre đan lâu năm của thôn khi Bà Tạ Thị Víu , 83 tuổi tuổi (mẹ anh Đài) đang ngồi đan mẹt. Bà Víu tâm sự: Chẳng biết nghề đan lát này có từ bao giờ, chỉ biết rằng lúc tôi còn nhỏ đã thấy ông bà cha mẹ đan những chiếc thúng, xảo, rổ, rá xếp vào góc nhà rồi đến phiên chợ lại gánh ra bán lấy tiền đong thóc. Khi được 5-6 tuổi, tôi đã biết đan một số sản phẩm đơn giản như: mẹt, xảo… và nghề đan lát này đã theo tôi đến tận ngày nay. Hiện, trung bình mỗi ngày tôi đan được khoảng 10 sản phẩm các loại.

 

Cũng gắn bó với nghề từ lâu lắm, đan lát đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình Tạ Văn Vi, xóm Trung Lâm. Anh Vi cho biết: Gia đình tôi 4 người, nhưng chỉ có 2 sào ruộng. Mỗi năm từ diện tích này tôi cấy 2 vụ lúa, 1 vụ màu, không cho đất nghỉ nhưng cũng chỉ đảm bảo đủ 4 miệng ăn. Nên 3 lao động trong gia đình thường xuyên làm nghề đan lát để kiếm sống, những lúc nông nhàn cả gia đình lại quây quần với nghề truyền thống này. Mỗi ngày gia đình sản xuất được trên 20 sản phẩm, thu nhập gần 100 nghìn đồng. Nhờ đó đã đảm bảo cuộc sống cho cả gia đình.

 

Thời điểm này, khi các loại cây trồng vụ Đông đang chờ ngày thu hoạch, các gia đình trong thôn lại quây quần với nghề đan lát. Từ em bé đến các cụ già, người chẻ phôi, người đan, người cạp, mỗi người một công đoạn tạo thành một dây chuyền sản xuất. Cả thôn hiện có trên 90% số hộ làm nghề đan lát. Sản phẩm chủ yếu là các loại thúng, nong, nia, mẹt, dần, sàng… Sản phẩm mây tre đan thôn Thù Lâm đa dạng về sản phẩm, mẫu mã đẹp, nên rất dễ tiêu thụ. Vì vậy mà bà con không còn phải gánh ra chợ bán như trước đây mà sản phẩm làm ra đến đâu, các lái buôn từ các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh… lại đến thu mua đến đó.

 

Mỗi năm, từ nghề này cho thu nhập trung bình khoảng 600 nghìn đồng/người/tháng. Nhờ nghề truyền thống, đời sống của nhân dân ổn định, các hộ trong thôn xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt, đến nay 100% số hộ trong thôn có ti vi, 90% số hộ có xe máy… Kinh tế phát triển, bà con cũng tích cực tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, hiện cơ bản đường làng ngõ xóm đã được bê tông hóa, xóm đã xây dựng được nhà văn hóa trị giá 100 triệu đồng…

 

Chị Tạ Thị Lập, Trưởng xóm Đông Lâm cho biết: Vài năm trước, thôn còn tham gia sản xuất một số mặt hàng mỹ nghệ mây tre đan xuất khẩu như: Khay, rèm… cho thu nhập khá (khoảng 1 triệu đồng/người/tháng). Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, thị trường này bị thu hẹp, nên bà con lại tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thống trước đây. Hiện nay, bà con làm nghề rất mong muốn được các cấp, ngành quan tâm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm những đơn đặt hàng sản xuất những sản phẩm xuất khẩu để tăng thu nhập để nhân dân yên tâm phát triển nghề.