Yên Trạch tìm hướng thoát nghèo

08:17, 15/01/2010

Bên cạnh trồng lúa, chè và rừng, bà con xã Yên Trạch, Phú Luơng cũng đã chú trọng đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ rừng để phát triển các ngành nghề phụ như: chế biến gỗ, chè, dệt mành cọ… tạo công ăn việc làm cho lao động trong lúc nông nhàn. Nhờ đó, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ của xã năm 2005 đạt 1,2 tỷ đồng, đến năm 2009 đã tăng lên hơn 2 tỷ đồng

 

"Không thể cam chịu mãi cảnh đói nghèo, phải tìm cách để có cuộc sống ổn định hơn", đó là lời tâm sự của anh Lý Văn Triển, ở xóm Bản Héo, xã Yên Trạch, (Phú Lương). Nhà chỉ có hơn  4 sào ruộng, năng suất đạt 1,4 tạ/ha, chia đều cho 4 nhân khẩu. Gia đình anh Triển là một trong những hộ nghèo của xóm. Năm 2002, với 2 triệu đồng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, anh quyết định đầu tư mua 7 con dê về chăn thả. Do mới nuôi dê lần đầu chưa có kinh nghiệm nên anh tích cực tham gia các buổi tập huấn về chăn nuôi thú y do phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Đồng thời, đi các xã lân cận như Yên Ninh, Yên Đổ để học hỏi thêm về kinh nghịêm chăn nuôi dê. Đàn dê của anh được tiêm phòng 2 lần/năm, vì thế tránh được các bệnh như: bại liệt, tụ huyết trùng…

 

Anh cho biết: Dê là loài vật dễ nuôi, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương diện tích rừng của xóm còn nhiều. Hơn nữa, nuôi dê không phải tốn nhiều công chăm sóc và nguồn vốn đầu tư thức ăn nhiều như nuôi lợn, gà. Đàn dê 7 con của gia đình tôi đến nay đã phát triển lên 25 con, cho bán khoảng 4 tạ/năm, với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg, thu về hơn 20 triệu đồng/ năm. Ngoài ra, gia đình tôi còn đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, ngoài cấy 2 vụ lúa, gia đình tôi trồng thêm 1 vụ ngô đông để lấy thức ăn chăn nuôi lợn. Đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo. Ngoài gia đình anh Triển, một số hộ cũng có đàn dê dưới 2 chục con như: Phan Văn út, Phùng Văn Chuền…Năm 2005, xóm có 87 hộ nghèo, đến nay số hộ nghèo chỉ còn 56/127 hộ. Anh Nguyễn Văn Trường, Trưởng xóm Bản Héo cho chúng tôi biết: Được sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây bà con trong xóm đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện của xóm lên tới hơn 300 triệu đồng. Một số hộ vay vốn để cải tạo diện tích chè, những hộ khác thì đầu tư phát triển chăn nuôi. Do xóm có 250 ha rừng nên một số hộ đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê. Mỗi hộ trong xóm đều có từ 2 đến 3 con trâu, bò.

 

Gia đình chị Ma Thị Huyền, ở xóm Na Hiên lại tìm hướng thoát nghèo từ cách khác. Năm 2003, gia đình chị vay vượn anh em, bạn bè được 4,5 triệu đồng để đầu tư mua máy vót nan và khung dệt mành cọ. Chị cho biết: Ban đầu, xưởng dệt mành cọ của gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, không có đầu ra cho sản phẩm... Năm 2006, xóm có hơn chục hộ dệt mành cọ đã phải bỏ nghề do không bán được sản phẩm, nhưng gia đình tôi vẫn kiên trì làm, đồng thời đi các huyện khác trong tỉnh để giới thiệu sản phẩm cho lái buôn. Năm 2007, gia đình tôi được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, từ đó cũng có chút vốn để xoay xở. Đến nay, xưởng sản xuất mành cọ của gia đình tôi dần đi vào ổn định, đã có các lái buôn ở trong và ngoài tỉnh về thu mua. Xưởng của chị Huyền đã tạo công ăn việc làm cho 5 lao động với mức thu nhập trung bình 1,2 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị cũng thu được hơn 40 triệu đồng/năm. Gia đình chị Huyền cũng đã thoát nghèo.

Các gia đình anh Triển, chị Huyền chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân xã Yên Trạch đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Một số hộ khác cũng đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm như: gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn đầu tư máy sản xuất gạch silicát, phát triển trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Tiến Hiệu ở xóm Bản Cái…Những con người với bản tính cần cù, chịu khó đang tự tìm cho mình những hướng đi phù hợp để vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Nguyễn Công Đảm, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Bên cạnh trồng lúa, chè và rừng, bà con trong xã cũng đã chú trọng đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ rừng để phát triển các ngành nghề phụ như: chế biến gỗ, chè, dệt mành cọ… tạo công ăn việc làm cho lao động trong lúc nông nhàn. Nhờ đó, giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ của xã năm 2005 đạt 1,2 tỷ đồng, đến năm 2009 đã tăng lên hơn 2 tỷ đồng. Do có nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào cho đàn gia súc nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc cũng là một trong những hướng đi của xã để phát triển kinh tế. Hiện, tổng số lượng đàn gia súc của xã là hơn 2.000 con. Hầu như các hộ trong xã đều có từ 1 - 2 con trâu, bò. Nhằm tận dụng những lợi thế trên, trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống vật nuôi có chất lượng như trâu, dê lai, bò lai Sind... vào chăn nuôi. Khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động. Tăng cường phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tạo điều kiện cho người dân được vay vốn phát triển kinh tế. Chỉ tính triêng trong năm 2009, 1.074 hộ nghèo đã được vay hơn 9 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện để đầu tư phát triển sản xuất. Góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 82,36% năm 2005, xuống còn 62,3% (tương đương 927 hộ) như hiện nay.

 

Có thể nhận thấy, bà con Yên Trạch đã biết phát huy những thế mạnh sẵn có của địa phương, tranh thủ nguồn vốn vay từ các ngân hàng để chủ động vươn lên thoát nghèo. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự cố gắng của bà con nhân dân, diện mạo nông thôn mới Yên Trạch sẽ có bước khởi sắc, đưa xã từng bước thoát khỏi danh sách những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện.