Kiếm bộn tiền nhờ đổi tiền lẻ

08:58, 12/02/2010

- Hình thức buôn tiền “nguyên thủy” nhất đang tồn tại và kinh doanh phát đạt mỗi dịp lễ Tết ở Việt Nam.  

 

Hồn nhiên cổng chùa

 

Đoạn đường dài hơn 1km dẫn vào Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh) dày đặc các bàn đổi tiền lẻ, tiền mới. Tiền chủ yếu ở đây là các loại tiền mệnh giá nhỏ. Nhiều nhất là 200 – 500 – 1.000 đồng. Lớn nhất là loại 5.000 đồng. Đây có lẽ là đặc trưng của tiền đi lễ chùa. Một đặc điểm dễ nhận ra nữa của việc đổi tiền lẻ đi chùa là gần như khách hàng luôn đổi tiền mới 100% và nguyên cả tập.

 

 Hơn 1km nữa mới đến Đền bà Chúa Kho, đối diện tượng đài Hoàng Quốc Việt có một quầy đổi tiền lẻ khá lớn. Bà chủ quán nói đầy tự tin: ở đây chỉ đổi tiền giấy cotton, không đổi tiền polymer. Không đổi tiền dù chỉ dùng qua một lần. Chỉ vào các xếp tiền, bà chủ đọc giá nhanh gọn: tiền 200 – 500 đổi 100 ngàn mất phí 30 ngàn. Đây là loại đắt nhất và chạy nhất. Các loại khác như 1.000 – 2.000 đổi 10 ăn 8. Tiền 5 ngàn đổi 10 ăn 9.

 

Càng vào sát cổng chùa, các quầy đổi tiền càng san sát, hễ thấy khách đi qua là tất cả đều mời chào khiến cho quang cảnh trở nên ồn ào. Thậm chí, hai bên cửa chùa, ở cổng chính ra vào, đều bị 3 – 4 người đổi tiền chiếm giữ. Ngoài ra còn có đội đổi tiền lưu động khiến cho cổng chùa như “chợ” tiền.

 

Không chỉ ở Đền bà Chúa Kho, Hà Nội và khu vực lân cận có nhiều điểm đổi tiền lớn gắn với các đền chùa như Phủ Tây Hồ - Hà Nội, Đền bà Đá – Hà Đông. Đây không chỉ là những nơi đổi tiền phục vụ người đi lễ tại chỗ mà thực sự đã thành những chợ đổi tiền lớn. Nếu như ở Đền bà Chúa Kho – Đền bà Đá còn chủ yếu đổi mệnh giá nhỏ thì ở Phủ Tây Hồ có rất nhiều loại mệnh giá cao thấp tùy theo nhu cầu khách hàng. Thậm chí, ở đây nhiều chủ bàn đổi tiền sẵn sàng nhận đổi tiền với số lượng lớn đi các tỉnh xa.

 

Các chủ đổi tiền cho biết, trước và sau Tết đúng mùa làm ăn của các chợ đổi tiền lẻ. Nhưng cũng có những điểm khác nhau. Nếu như trước Tết là thời điểm của những nhà có nguồn lớn để phân phối cho các “nhà bán lẻ” cho cả mục đích đi chùa và mừng tuổi. Một đầu mối lớn ở Tây Hồ - Hà Nội khẳng định, bao nhiêu tiền, mệnh giá nào cũng có thể lo tiền mới 100%. Lợi nhuận trung bình khoảng 10%. Tiền càng nhỏ càng có lãi cao nhưng cũng  phải chia nhiều mối. Kiếm nhất vẫn là những người nắm được nguồn phân phối từ các ngân hàng.

 

Ngang nhiên trên phố

 

Ở Hà Nội bên cạnh con phố chợ đen USD nổi tiếng Hà Trung thì còn có một con phố tiền tệ khác nổi tiếng không kém: phố đổi USD và tiền lẻ di động ở Đinh Lễ - cách không xa Ngân hàng Nhà nước.

 

Đặc điểm hoạt động của phố này là dịch vụ đổi tiền di động khi những người đổi tiền ở đây đều không có chỗ ngồi cố định. Họ mang túi với một ít tiền nhỏ đứng ngồi khắp các góc phố. Một đoạn phố hơn 100m nhưng có khoảng 20 người làm dịch vụ này. Tuy hình thức “du kích” nhưng quy mô mua bán – trao đổi không hề nhỏ vì khi khách cần họ hoàn toàn có thể đáp ứng số lượng lớn với lời cam kết đi kèm “nguồn của bọn chị thì không phải lo”.  

 

Chỉ cần đến Đinh Lễ vào những ngày cuối năm để đổi tiền lập tức có cả chục người phụ nữ ào ra mời chào. Công khai và ngang nhiên. Trông họ không khác nhiều những người bán vé số nhưng ai cũng tự tin khi cho biết, muốn đổi loại nào cũng có, bao nhiêu chị cũng đáp ứng hết. Tiền mới cứng từ ngân hàng.

 

Như để chứng minh, ai có nhu cầu đổi ngay với số lượng vừa phải, bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể trình ra hàng chục tệp tiền từ 200–20.000 đồng còn nguyên giấy niêm phong. Thậm chí còn nguyên cả nếp dao cắt giấy, seri liền nhau… Như để cho thấy tiền đi thẳng từ ngân hàng ra đây luôn.

 

Theo những người đổi tiền lẻ thì năm nay lượng tiền lẻ có phần thoải mái hơn nên vào đầu mùa, còn xa Tết phí trao đổi không đắt lắm nhưng chắc chắn những ngày sát Tết mới tăng lên, còn những ngày  sau Tết mồng 1 – 2 – 3 thì ai đổi chắc chắn hưởng giá cắt cổ.

 

Giá đổi tiền phổ biến hiện nay là, tiền có mệnh giá từ 5.000 đồng - 10.000 đồng, tỷ lệ là 10 đổi 8, tức 100.000 đồng thì đổi được 80.000 đồng. Những tờ tiền có mệnh giá nhỏ hơn thì giá hoán đổi đắt hơn, tỷ lệ 10 “ăn” 7.

 

Hoạt động đổi tiền ở các chùa hay trên phố bây giờ dường như không còn được xem thuần túy là chuyện mua bán mà như là một tục lệ cần có trong ngày lễ Tết. Vì thế, dù nhiều khi chi phí có thể đắt nhưng với số tiền thực đổi không lớn lại thêm tâm lý ngày Tết nên dường như ai cũng chấp nhận mà không có bức xúc nào.

 

Cũng có thể vì thế mà chuyện đổi tiền lẻ đã tồn tại từ lâu nhưng không có ai nói đến vi phạm hay cấm đoán. Đó vẫn là một nghề kiếm ăn mỗi dịp lễ Tết. Hoạt động công khai, sôi động. Vì đơn giản, ngay cả những người bán cũng khẳng định chắc chắn là không thấy ai nói cấm đổi tiền ăn chênh lệch cả.

 

Chỉ có điều, trong khi thị trường tự do luôn có tiền mới 100% với tất cả mệnh giá theo yêu cầu và chủ đổi tiền nào cũng cam kết có nguồn sẵn sàng còn ngân hàng thì luôn kêu thiếu, không đủ cho khách. Riêng Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiền lẻ sẽ được cung ứng qua các ngân hàng thương mại đến tay người dân một cách dễ dàng thông qua giao dịch.