Đến Làng Mới, xã Hợp Thành (Phú Lương) vào một ngày đầu xuân ấm áp, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trên mảnh đất ATK. Con đường đất đỏ bụi bặm trước kia nay đã được thay thế bằng đường nhựa uốn lượn, ôm ấp lấy làng. Trên cánh đồng dọc hai bên đường, những người nông dân đang hối hả thu hoạch ngô để chuẩn bị cho một vụ sản xuất mới.
Tiếp chuyện chúng tôi, Trưởng xóm Làng Mới Lý Văn Hinh phấn khởi nói: Làng Mới hiện có 67 hộ với 276 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Tày. Trước đây, xóm gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế: thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế do trình độ dân trí của người dân không đồng đều... nhưng nhờ sự nỗ lực, đoàn kết vươn lên, đến nay đời sống của bà con đã có bước cải thiện đáng kể. Anh Hinh đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Phan Thị Tươi, một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu của xóm. Bà cho biết: Nhà tôi có 8 sào ruộng, chăm chỉ cày sâu cuốc bẫm cũng chỉ đủ gạo ăn. Ấp ủ dự định chăn nuôi quy mô lớn, cuối năm 2007, chồng tôi đã đi các xã trong huyện để tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi gà công nghiệp. Sau đó, được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay 30 triệu đồng, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng trại nuôi gà và mua con giống. Hiện, trại gà của gia đình tôi có 1.500 con, cho thu hơn 4 tấn/lứa, giá bán trung bình 24 nghìn đồng/kg.
Cùng với chăn nuôi, gia đình tôi còn thâm canh 2 vụ lúa, một vụ ngô, đồng thời mở một xưởng chế biến gỗ, tạo công ăn việc làm cho 3 đến 4 lao động thời vụ trong xóm với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện mỗi năm gia đình tôi cũng thu được trên 50 triệu đồng. Rời nhà bà Tươi, chúng tôi ghé thăm gia đình chị Lý Thị Điểm. Chị Điểm hồ hởi bảo: Từ năm 2006 đến nay, ngoài chăm sóc 3 sào ruộng, gia đình tôi còn chăn 8 con lợn nái. Tôi vừa xuất bán một lứa 5 tạ thịt lợn hơi, thu về hơn 13 triệu đồng. Ngoài ra, nhà tôi còn nấu rượu, làm đậu và xát gạo, thu nhập bình quân cũng đạt 30 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xóm. gia đình tôi đang làm thủ tục vay 20 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi.
Những mô hình trên chính là hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở một xóm thuần nông như Làng Mới. Hiện, xóm có gần chục hộ chăn nuôi gà công nghiệp với quy mô từ 500 đến 2.000 con/lứa, hơn chục hộ nuôi lợn từ 15 đến 20 con/lứa trở lên. Để hỗ trợ bà con vốn phát triển sản xuất, các tổ chức Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh... Đã đứng ra tín chấp cho bà con trong xóm vay vốn với lãi suất ưu đãi. Hiện, tổng dư nợ của các hộ dân trong xóm từ các ngân hàng: Chính sách - Xã hội, Nông nghiệp - PTNT huyện trên 400 triệu đồng. Ngoài ra, do được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên bà con cũng đã áp dụng đưa giống lúa lai cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt thay thế dần giống lúa bao thai, đưa năng suất lúa bình quân của Làng Mới đạt trên 50 tạ/ha. Cùng với đó, người dân đã tập trung đầu tư phân bón, chăm sóc và cải tạo cây chè, nên đến nay làng đã có hơn 9 ha chè, năng suất đạt 50 đến 60 tạ/ha.
Đến nay cuộc sống của các hộ dân trong xóm có chuyển biến rõ nét. Năm 2005, số hộ nghèo của xóm là 16 hộ, đến nay chỉ còn 9 trên tổng số 67 hộ. 2/3 số hộ trong xóm đã có nhà xây và nhà sàn kiên cố, 90% số hộ có ti vi, xe máy. Hiện nay, toàn xóm có gần 20 cháu đang theo học các trường đại học, cao đẳng. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Làng Mới là một trong những xóm mạnh dạn đi đầu trong việc đầu tư phát triển những mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại, gia trại. Nhờ đó, đời sống kinh tế của xóm ngày càng phát triển. Năm 2009, xóm tiếp tục giữ vững danh hiệu làng văn hóa, tiêu biểu liên tục trong 6 năm liền.
Chia tay Làng Mới, chúng tôi hy vọng về sự đổi mới mạnh mẽ hơn của xóm trong thời gian tới, đúng như tên gọi cũng như ước vọng của những người dân cần cù, chịu thương chịu khó nơi đây.