Thời tiết bắt đầu ấm lên cũng là lúc bà con nông dân huyện Định Hóa nô nức xuống đồng bắt nước, nhổ mạ cấy trà xuân muộn. Khí thế của những ngày sản xuất lương thực đầu năm Canh Dần đã thực sự lan tỏa trên khắp đồng đất của một huyện miền núi có tới 98% dân số làm nông nghiệp. Bước vào vụ gieo trồng khởi đầu của một năm mới, người nông dân Định Hóa đứng trước không ít khó khăn, nhưng cũng có khá nhiều thuận lợi.
Men theo tuyến tỉnh lộ 268 từ cây số 31 đến trung tâm huyện Định Hóa, rồi len lỏi nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm những ngày gần đây, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh bà con nông dân tay bừa, tay cấy chuyện trò rôm rả khắp các cánh đồng. Chỉ chứng kiến những hình ảnh đó thôi cũng đủ khiến chúng ta có dự cảm tốt đẹp về một vụ gieo trồng đầu năm đầy hứa hẹn. Sau khi hoàn tất công việc phun thuốc trừ cỏ trước khi cấy, anh Triệu Văn Hùng, nông dân thôn Bãi Lềnh, xã Bảo Cường đặt bình phun xuống đất, nghỉ giải lao và cùng trò chuyện với chúng tôi. Theo anh thì vụ xuân này thực sự là một vụ gieo cấy thuận lợi nhất từ trước đến nay không chỉ đối với gia đình anh. Nước tưới theo kênh kiên cố về tới tận chân ruộng; cỏ lúa có thể diệt được ngay từ trong trứng nước; giống lúa lai, lúa thuần, phân bón, thuốc trừ sâu được cung ứng ngay tại nhà; cấy hái đã có tổ đội sản xuất đến giúp đổi công… Anh Hùng không giấu niềm vui nói: “Nhà tôi có 3 sào, thời tiết nắng ấm này chỉ tập trung cấy một ngày là xong”. Không riêng gì gia đình anh Hùng, với nhiều hộ nông dân khác trong huyện cũng có chung niềm vui đó…
Những khó khăn về thời tiết, sâu bệnh là nỗi lo muôn thuở của người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, nhưng nỗi lo thường trực và lớn hơn cả với họ lại chính là vấn đề giống, vật tư phân bón. Tuy nhiên, những lo lắng đó của bà con đã cơ bản được giải quyết trong vụ xuân 2010 này. Chi nhánh Vật tư nông nghiệp huyện là đầu mối quan trọng giải quyết điều đó. Ngay từ thời điểm giữa tháng 12-2009, đơn vị này đã cung ứng khoảng 3 nghìn tấn phân bón các loại cùng 40 tấn giống cây lương thực cho bà con. Trong đó, đơn vị đã cung ứng 12 tấn giống lúa lai theo kế hoạch. Điều đặc biệt là ngoài cung ứng vật tư, đơn vị còn phối hợp tổ chức hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý cho nông dân. Ông Trần Thanh Vân, Giám đốc Chi nhánh cho biết: Toàn bộ lượng vật tư nông nghiệp chúng tôi cung ứng cho bà con đảm bảo cả về chất lượng, số lượng, giá bán. Đến nay, chúng tôi đã hoàn tất toàn bộ kế hoạch cung ứng vật tư sản xuất vụ xuân năm 2010.
Vụ xuân năm nay được xem là khó khăn hơn về nước tưới so với cùng kỳ năm trước, bởi mùa mưa chấm dứt sớm, lượng mưa không nhiều như mọi năm. Là huyện miền núi, thời gian gieo cấy thường muộn hơn so với các địa phương khác nhưng không vì thế mà việc tích nước sản xuất nông nghiệp ở Định Hóa lại chậm trễ. Ngay từ tháng 8-2009, toàn bộ hệ thống hồ đập lớn nhỏ trên địa bàn huyện đều được chỉ đạo trữ nước ở mức cần thiết đủ tưới theo kế hoạch. Bởi thế, tại thời điểm này toàn bộ những chân ruộng cấy hai vụ đều có thể chủ động được nguồn nước. Bắt đầu từ ngày 30 đến 6 Tết (tức từ ngày 13 đến ngày 19-2-2010) Trạm Khai thác thủy lợi huyện đã cho mở hệ thống cống xả của 4 hồ thủy nông quan trọng là: Bảo Linh, Bản Piềng, Làng Gầy và Nà Tấc cùng các hồ đập nhỏ khác. Riêng hồ Bảo Linh, do phải cấp nước tưới với khối lượng lớn (tưới khoảng 740ha lúa xuân của 9 xã, thị trấn trong huyện) nên đã xả nước sớm hơn cả. Theo ông Ma Văn Lộc, Trạm trưởng Trạm khai thác thủy lợi huyện thì do chủ động được nguồn nước nên đến thời điểm này khoảng 40% diện tích lúa xuân muộn đã cấy xong. Tuy nhiên, vụ xuân này cũng còn khoảng 800 đến 1.000 ha đất gieo cấy không chủ động được nước tưới. Với những khu vực hạn cục bộ này, Trạm đang chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, phương tiện tổ chức bơm tát nước từ suối, khe lạch về, phấn đấu cấy hết diện tích.
Vụ xuân năm nay, toàn huyện Định Hóa gieo cấy 3.500ha lúa, trong đó có khoảng 700ha lúa lai. Ngay từ đầu khi bước vào sản xuất, huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, các địa phương và bà con nông dân thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật gieo cấy, đảm bảo về thời gian, cơ cấu giống để có thể hoàn thành đủ 95% diện tích lúa xuân muộn. Trong vụ này, huyện tập trung cấy các giống lúa lai như: Bồi tạp Sơn Thanh, Bồi tạp 49, VL 20, VL 24, Nhị ưu 838, Phú ưu số 1, Phục Hưng số 6…; lúa thuần như: Khang dân 18, BC 15, Lúa thơm HT1, Bắc thơm số 7, Khang dân đột biến… Đây được xem là những giống lúa tốt, năng suất ổn định, chất lượng cao và có khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Để chủ động gieo cấy và đảm bảo có một vụ lúa năng suất cao, huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người nông dân, yêu cầu bà con áp dụng biện pháp gieo mạ có che phủ nilon, gieo mạ trên khay, ném mạ thay cấy, gieo sạ bằng các công cụ cải tiến ở những nơi có điều kiện; sử dụng bón phân tổng hợp, cân đối trong từng giai đoạn sinh trưởng của lúa… Theo ông Lường Văn Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Định Hóa thì toàn huyện đang phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân ngay trong tháng 2 này để tạo điều kiện sản xuất lúa mùa sớm tới đây.