Áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để thoát nghèo

10:27, 10/03/2010

Hồng Vân là một xóm thuần nông, thuộc thôn Vân Trai, xã Tân Phú (Phổ Yên). Cả xóm không còn hộ nghèo, số hộ khá, giàu chiếm tới 70%. Có được kết quả này là do người nông dân nơi đây đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng…

 

Người đầu tiên chúng tôi gặp là cụ Trần Thị Ớt, 90 tuổi. Là dân gốc ở đây, cụ Ớt đã gắn bó với mảnh đất Hồng Vân gần trọn cuộc đời, được chứng kiến từng sự đổi thay của xóm, Cụ bảo: Trước kia, cả xóm Hồng Vân chỉ có mấy nóc nhà lá, đời sống cực lắm, cơm chẳng đủ ăn, ra đến ngõ là bùn lầy lấm lem. Giờ thì sướng quá rồi, cơm đã đủ no, nhà cửa khang trang, đường xá đi lại sạch sẽ... Ông Lê Văn Trọng, Trưởng xóm Hồng Vân cho biết: Hồng Vân hiện có 75 hộ với trên 400 nhân khẩu. Là xóm thuần nông, nhưng diện tích đất lại nhỏ hẹp, trung bình mỗi khẩu 1 sào đất canh tác. Do vậy mà những năm trước đây, đời sống ba con gặp nhiều khó khăn. Nhưng vài năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây đã thay đổi nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Vẫn những con người ấy, thửa ruộng ấy, nhưng bà con đã biết cách đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất thay vì chỉ thâm canh một vụ lúa, một vụ khoai như trước đây. Nhờ vậy mà hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác đã không ngừng tăng lên.

 

Một trong những hộ biết cách làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là anh Lê Văn Bài. Anh Bài tâm sự: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng, trước đây tôi cấy 2 vụ lúa, 1 vụ trồng khoai lang. Quanh năm chăm chút từng rảnh lúa, khóm khoai cũng chỉ đủ cái ăn. Từ năm 2000, được cán bộ khuyến nông vận động chuyển đổi cây trồng, tôi mạnh dạn thuê thêm 2 sào đất để trồng rau. Từ đó đến nay, mùa nào thức nấy anh luân phiên trồng các loại như: su hào, bắp cải, cà chua... mỗi năm từ mô hình này cho thu nhập trên 60 triệu đồng.

 

Cũng với cách làm tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Uyên từ chỗ là hộ nghèo của xóm đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Chị Uyên tâm sự: Gia đình tôi có khoảng 5 sào ruộng, trước đây do chỉ biết cấy 2 vụ lúa/năm rồi nên mãi vẫn quẩn quanh với cái nghèo. Từ năm 2007 trở lại đây, thấy các hộ trong xóm trồng rau cho thu nhập khá nên tôi đã chuyển đổi 1 sào đất sang chuyên trồng rau màu. Cứ ra Giêng tôi trồng 1 vụ hành, chuyển sang trồng đỗ cô ve, gần Tết lại đầu tư trồng rau cải... mỗi năm từ sào đất này cho thu nhập trên 20 triệu đồng. Chỉ 1 năm sau khi chuyển đổi, gia đình tôi đã thoát nghèo. Dự định năm tới, tôi sẽ chuyển đổi tiếp những chân ruộng cao sang trồng rau màu.

 

Không chỉ anh Bài, chị Uyên mà việc đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất đã trở thành phong trào trong toàn xóm. Về điểm này, anh Trọng cho biết thêm: Mấy năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2007, xóm liên tục thực hiện các ô mẫu giống mới để thử nghiệm, nhằm lựa chọn những loại cây phù hợp với đồng đất Hồng Vân. Một chương trình đem lại hiệu quả và đã đi vào đại trà là ô mẫu giống lúa siêu nguyên chủng Khang Dân 18. Từ năm 2007 trở lại đây, mỗi năm xóm thực hiện 8,7ha, cung cấp giống cho toàn bộ diện tích cấy lúa của xóm, đồng thời còn cung ứng giống cho những vùng lân cận. Nhờ chủ động được giống, lại hiểu rõ đặc tính của loại lúa này, nên bà con nhân dân đã có cách chăm sóc phù hợp, từ đó năng suất lúa của xóm luôn cao hơn những địa phương khác, hiện nay trung bình mỗi sào đạt 2,2 tạ. Ngoài thực hiện ô mẫu giống lúa, vụ Đông năm 2009, xóm còn trồng thử nghiệm 10ha ngô đông bằng giống ngô lai LVN61 của Viện Nghiên cứu ngô Trung ương. Đây là giống có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt khoảng 70 tạ/ha, cao hơn các giống ngô khác gần 20 tạ/ha.

 

Đời sống nâng lên, bà con trong xóm nhiệt tình tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng như đường làng ngõ xóm, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa... làm cho bộ mặt nông thôn từng ngày đổi mới.