Trong những năm qua, với việc mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đồng đất của địa phương, đặc biệt là việc đưa cây chè cành vào trồng trên các chân ruộng cao đã giúp cho đời sống của người dân xã Bá Xuyên (T.X sông Công) được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 2006 toàn xã có gần 200 hộ nghèo chiếm 27,8% thì đến hết năm 2009 chỉ còn 80 hộ, chiếm 8%. Cách làm này đã và đang khẳng định một hướng đi mới của Đảng bộ và nhân dân Bá Xuyên trong phát triển kinh tế.
Chúng tôi đến gia đình chị Hà Như Hoa, xóm La Cảnh, xã Bá Xuyên, T.X Sông Công, một hộ thoát nghèo năm 2008 nhờ trồng chè cành. Nhà chị Hoa có 5 nhân khẩu, nhưng chỉ có 2 lao động chính. Với 8 sào ruộng vậy mà nhà chị chẳng bao giờ đủ ăn, chưa hết vụ chị đã phải chạy lo từng bữa. Được sự vận động của xã chị đã mạnh dạn chuyển đổi 4 sào lúa chân ruộng cao và đất bạc màu sang trồng chè cành. Đến nay 2 sào đã cho thu hoạch, còn 2 sào đang trong giai đoạn khép tán. Chị tâm sự: “Mỗi lứa chè cũng cho thu 50kg, mỗi năm bán được 20 triệu đồng. Có thu nhập, ổn định từ cây chè chị trang trải được tiền học cho con, mua sắm các vật dụng trong gia đình. Năm 2009 chị đầu tư mua một bộ máy sao vò chè để phục vụ sản xuất.
Chị Hoa chỉ là 1 trong số rất nhiều hộ gia đình ở xã Bá Xuyên thoát nghèo nhờ cây chè cành. Nhờ phát triển mạnh cây chè cành nên số hộ nghèo trong xã đã giảm 5,5%/năm. Nếu như năm 2006, toàn xã có gần 200 hộ thì đến nay giảm xuống còn 80 hộ. Kể về quá trình đưa cây chè cành “xuống đồng” ở Bá Xuyên, ông Đồng Văn Quy cho biết: Là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài 241 ha đất cấy lúa hai vụ thì xã có đến hơn 100 ha chân ruộng cao chỉ cấy được một vụ lúa và trồng một vụ màu và 80 ha đất trồng màu nhưng năng suất thấp, do đó việc lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế nâng cao đời sống luôn là nỗi trăn trở của Đảng bộ xã. Năm 2001, khi Sở Khoa học và Công nghệ đề nghị triển khai thí điểm trồng 10 ha giống chè cành LDP1, người dân đã tích cực hưởng ứng. Sau khi tiến hành khảo sát, cánh đồng cao Soi Lai nằm dọc bờ Sông Công (thuộc địa phận 2 xóm Ao Cang và Hát Trúc) được chọn để triển khai dự án. Chớp lấy cơ hội triển khai dự án, Đảng bộ xã đã họp ra nghị quyết quyết tâm thực hiện, quyết tâm triển khai. chi bộ của hoạt động tích cực để tuyên tuyền vận động người dân tham gia, lấy đảng viên làm nòng cốt. Sau gần 5 tháng vận động, gần 100 hộ dân thuộc vùng dự án đã đồng tình ủng hộ. Các quy trình trồng chè được bà con thực hiện theo đúng hướng dẫn.
Tuy nhiên, đến tháng 2/2002, cây chè được đốn đợt 1 và bón thúc phân nhưng do gặp phải trời nắng nóng, cây còn non nên chè đã bị chết 30%. Các hộ thấy vậy rất dao động. Trước tình hình trên, ngoài việc hỗ trợ cây giống cho bà con trồng lại, xã còn khuyến khích bà con trồng xen canh lạc, đỗ… để có thêm nguồn thu năm 2004, nông dân đã thu trung bình khoảng 20 kg/lứa/sào. Chè làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó với giá cao gấp 3 lần so với chè trung du. Thấy cây chè cành mang lại hiệu quả kinh tế nên Đảng bộ xã quyết định đưa cây chè cành là cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo ở Bá Xuyên, mỗi năm phấn đấu trồng mới 3-4 ha chè cành. Để khuyến khích người dân, xã đã hỗ trợ 30-50% giá giống, phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã mỗi năm mở 4 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng chè cành cho bà con. Ngoài hỗ trợ vốn, giống, khoa học kỹ thuật, xã còn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng trên 600m kênh mương dẫn nước tưới cho chè.
Từ chỗ phải vận động các hộ chuyển đổi, nay bà con đã chủ động nhân rộng mô hình trồng chè cành trên các chân ruộng cao và ruộng màu. Chính vì vậy mà diện tích trồng chè cành của Bá Xuyên không ngừng tăng qua các năm. Nếu như năm 2004 toàn xã chỉ có 10 ha, thì đến hết năm 2009 xã Bá Xuyên đã có 100 ha chè cành. Riêng năm 2009, xã trồng mới được 4,7 ha. Hiện nay tổng sản lượng chè chè búp khô toàn xã Bá Xuyên đạt 120,8 tấn/năm. Nhờ cây chè cành mà nhiều hộ nông dân đã giàu lên từ trồng chè. Điển hình như hộ gia đình anh Đồng Văn Hồng, xóm La Cảnh 2 với 7 sào chè, chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật mỗi năm anh thu nhập trên 50 triệu đồng. Ông Đặng Văn Phúc, Trưởng xóm La Cảnh 1 cho biết: “Trước đây nhìn những chân ruộng cao cây lúa lay lắt vì thiếu nước mà cũng chẳng biết làm gì hơn, nay chuyển sang trồng chè cành cho thu nhập cao nên các hộ mạnh dạn chuyển sang trồng chè cành. Hiện nay, xóm có 8ha chè với 5 tổ đổi công. Cuộc sống của các hộ cũng ngày một nâng cao, năm 2003 xóm có 28 hộ nghèo thì hết 2009 chỉ còn 8 hộ nghèo”.
Có thể nói việc phát triển cây chè cành ở Bá Xuyên đã và đang mở ra một hướng đi mới giúp người nông dân thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. đồng chí Đồng Văn Quy cho biết: Trong những năm tới, xã tiếp tục khuyến khích nông dân tập trung đầu tư chăm sóc diện tích đã cho thu hoạch từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè ở Bá Xuyên.