Huyện Đại Từ có trên 800 ha diện tích mặt nước có khả năng nuôi trồng thuỷ sản. Với mục tiêu phấn đấu đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi ngang bằng tỷ trọng ngành trồng trọt, những năm gần đây, huyện Đại Từ luôn quan tâm khuyến khích người dân đầu tư phát triển chăn nuôi thuỷ sản.
Đến hết năm 2009, toàn huyện có 607,6 ha, mất nước được đầu tư nuôi thủy sản năng suất đạt 1,61 tấn/ha, sản lượng đạt 980 tấn. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện còn khoảng 35% diện tích mặt nước chưa được nông dân đầu tư chăn nuôi thuỷ sản.
Qua điều tra hiện trạng mặt nước các ao, đầm nuôi cá, toàn huyện có trên 70% diện tích có mực nước sâu từ 0,8 - 1,5 m. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển chăn nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh. Dưới sự giúp đỡ của Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm Khuyến nông huyện, từ năm 2006 đến nay, Đại Từ đã có 8 hộ chăn nuôi thuỷ sản theo quy mô trang trại. Cùng với đó, huyện tổ chức được 17 lớp tập huấn cho trên 600 hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật chăm sóc cá giống mới như cá rô phi dòng Gipf, chép lai 3 màu, cá lóc bông... Bên cạnh việc duy trì nuôi những giống cá truyền thống (trắm, trôi, chép, mè) với tổng diện tích khoảng 85%, thì 15% diện tích còn lại người dân đã mạnh dạn đưa các giống thuỷ sản mới có năng suất cao, chất lượng thịt ngon, giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng như: cá chim trắng, ba ba, ếch, lươn...
Không chỉ chú trọng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mở rộng diện tích chăn nuôi thuỷ sản, Đại Từ còn khuyến khích các hộ dân có điều kiện sản xuất và cung ứng cá giống. Ngoài 2 đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng con giống thuỷ sản của tỉnh là Trại cá Cù Vân, Trạm Thuỷ sản hồ Núi Cốc với diện tích 8 ha, huyện Đại Từ còn có 102 hộ dân ở các xã Vạn Thọ, Cù Vân, An Khánh chuyên nuôi cá giống với diện tích khoảng 13 ha, hàng năm cung ứng trên 10 triệu con giống thuỷ sản các loại và cơ bản đáp ứng nhu cầu về giống trên địa bàn. Thêm nữa, để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển chăn nuôi thuỷ sản, cùng với nguồn vốn huy động trong dân, 3 năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện đã cho 520 lượt hộ dân vay vốn với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng...
Chúng tôi đến gia đình ông Nguyễn Văn Ân, xóm Trại Mới, xã Phú Lạc vào đúng thời điểm gia đình ông đang thu hoạch cá. Ông Ân vui vẻ cho biết: Gia đình tôi có diện tích mặt ao là 3,9 ha. Trước đây, do chưa chú trọng đến việc đầu tư chăn nuôi thuỷ sản nên nguồn lợi từ diện tích ao này đem lại cho gia đình không đáng kể. Vài ba năm trở lại đây, được tiếp cận với cơ chế, chính sách của Nhà nước nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư tiền của vào xây bờ ao, mua cá giống về thả nên mỗi năm cũng để ra được vài ba chục triệu đồng. Gần đây nhất là vào tháng 7-2009, tôi thả 5 vạn con cá giống gồm trôi, mè, trắm, chép xuống ao. Sau hơn 7 tháng chăn nuôi, gia đình tôi thu hoạch từ cuối tháng 2 đến nay, sản lượng cá thu được dự kiến đạt 4,5 tấn, giá trị kinh tế khoảng 70-80 triệu đồng.
Là người ưa tìm tòi, đưa những cái mới lạ vào chăn nuôi, nông dân Nguyễn Văn Phòng, xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận không bằng lòng với trên 30 nái ngoại, 200 con lợn thịt/lứa thường xuyên, anh còn đầu tư khoảng 100 triệu đồng vào chăn nuôi gần 2 nghìn con ba ba từ đầu năm 2009 đến nay. Tâm sự với chúng tôi, anh Phòng cho biết: Sở dĩ tôi chọn con ba ba để nuôi vì đây là loài được đánh giá là dễ nuôi, giá trị thương phẩm cao, lại không gây ô nhiễm môi trường như chăn nuôi lợn. Thức ăn cho ba ba lại dễ tìm, sẵn có ở nông thôn như chỉ là cá tép giầu, giun quế, ốc bươu vàng. Trong quá trình nuôi, gia đình thường xuyên được cán bộ Phòng Nông nghiệp về hướng dẫn cách chăn nuôi ba ba, cách phòng tránh bệnh hay gặp... nhờ vậy gần 2 nghìn con ba ba của gia đình đều sinh trưởng và phát triển tốt. Tôi chưa có ý định bán ba ba thương phẩm mà vẫn muốn tiếp tục gây dựng giống để phát triển chăn nuôi với quy mô lớn... Bằng kinh nghiệm nuôi ba ba của mình, tôi nghĩ nếu được nuôi theo đúng quy trình và thâm canh tốt ba ba sẽ trở thành giống vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, tạo ra một nghề mới cho người chăn nuôi, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống người nông dân.
Một vài năm trở lại đây, nghề chăn nuôi thuỷ sản ở Đại Từ tuy có bước phát triển nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ. Người dân nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu dưới hình thức thâm canh và bán thâm canh, sản lượng chỉ đạt từ 1 đến 2 tấn/ha. Do vậy, việc khai thác diện tích mặt nước ao, hồ, đầm, ruộng có khả năng nuôi cá kết hợp sản xuất lúa còn hạn chế. Việc đưa những giống cá có năng suất cao, chất lượng tốt vào nuôi trồng còn ít nên tỷ trọng kinh tế của ngành thuỷ sản còn thấp. Cùng với đó, việc quản lý giống (cả sản xuất và lưu thông) cũng chưa được chú trọng đúng mức nhất là quản lý trực tiếp trên địa bàn các xã, thị trấn. Một số mô hình thuỷ sản giống mới đưa vào nuôi khảo nghiệm trên địa bàn huyện như mô hình nuôi tôm càng xanh tại xã La Bằng (năm 2006), mô hình nuôi cá lóc bông tại Tiên Hội, Lục Ba (năm 2007) không phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương về nguồn nước, thức ăn, khí hậu... nên mô hình không phát triển và nhân ra diện rộng trên địa bàn huyện
Nói về nguyên nhân khiến chăn nuôi thuỷ sản ở Đại Từ chưa xứng với tiềm năng, đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Sở dĩ, chăn nuôi thuỷ sản của huyện chưa phát triển mạnh là do đa số các hộ chăn nuôi chưa thực sự coi là chăn nuôi thuỷ sản là nghề sản xuất chính, sản phẩm lại chủ yếu phục vụ gia đình nên các hộ chưa tập trung đầu tư, tận dụng thức ăn sẵn có. Tuy diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản của huyện trên 800 ha nhưng nhỏ lẻ, không tập trung, nguồn nước không chủ động đặc biệt là về mùa khô. Thêm nữa, trình độ của người dân trong lĩnh vực chăn nuôi thuỷ sản còn hạn chế, chậm đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong chăn nuôi thuỷ sản, chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm nên năng suất, sản lượng không cao; còn đội ngũ cán bộ kỹ thuật của huyện mặc dù đã được đào tạo nhưng chuyên môn chưa sâu về kỹ thuật chăn nuôi thuỷ sản đặc biệt là kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi các loại thuỷ đặc sản; việc sử dụng các loại hoá chất, thuốc trừ sâu bừa bãi trong sản xuất làm cho môi trường nước bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển chăn nuôi thuỷ sản trên địa bàn huyện...
Với mục tiêu phấn đấu trong năm 2010, toàn huyện tăng diện tích mặt nước chăn nuôi thuỷ sản lên 612,35 ha; năng suất bình quân từ 2,5 - 3 tấn/ha/năm; sản lượng đạt 800 - 1000 tấn cá thịt/năm; diện tích nuôi cá thâm canh cao sản từ 100 - 150 ha, trong thời gian tới, huyện Đại Từ tập trung vào các biện pháp: đầu tư thâm canh đối với diện tích mặt nước chủ động về nguồn nước; đưa một số giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình chăn nuôi con đặc sản như ba ba, ếch Thái Lan; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân nuôi cá nước lạnh tại một số xã vùng ven chân Tam Đảo (La Bằng), nuôi thử nghiệm một số loài thuỷ sản vùng núi như cua núi (cua đá), cá Hân... Để huyện Đại Từ phát trriển mạnh nghề chăn nuôi thuỷ sản, đồng chí Lê Thanh Sơn cũng đề nghị cấp trên sớm có chương trình, dự án giúp các hộ nông dân nuôi cá bằng bè, lồng, quây lưới vùng ven hồ Núi Cốc và tiếp tục có cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích các hộ dân nuôi một số con thuỷ sản mới...