Đối phó với nguy cơ tăng giá

09:10, 18/03/2010

- Vốn được coi là huyết mạch của nền sản xuất và cực kỳ nhạy cảm trước diễn biến cung cầu của thị trường, nhiều hệ thống phân phối lớn hiện đã lên xong các phương án đối phó trước nguy cơ tăng giá một loạt mặt hàng thời gian tới.

 

Mặt bằng giá mới – trong tầm tay?

 

Ông Pascal Billaud – Tổng Giám đốc một hệ thống siêu thị bán lẻ lớn liên doanh giữa Pháp và Việt Nam trong buổi họp báo diễn ra chiều 16/3 tại Hà Nội, nhận định, giá cả các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất mà trực quan nhất là giá điện, xăng dầu liên tục tăng thời gian qua đang tạo sức ép nhiều mặt đến giá cả thị trường.

 

Hiện nay, mặc dù việc thu mua hàng hóa vào hệ thống siêu thị vẫn khá ổn định, chưa có nhiều xáo trộn từ giá cả đến việc thương lượng hàng hóa với các nhà cung cấp so với thời gian trước, nhưng vị lãnh đạo vẫn cảnh báo: không ngoại trừ sức ép này có thể dẫn đến việc điều chỉnh giá hàng loạt mặt hàng trong thời gian tới.

 

Theo chiều hướng này, ông Pascal quan ngại, các mặt hàng nhu yếu phẩm, liên quan trực tiếp đến bữa ăn của người dân có khả năng sẽ biến động giá rõ rệt.

 

Đồng tình với nhìn nhận này, bà Đinh Thị Nga - phụ trách kinh doanh một hệ thống siêu thị lâu năm khác tại Hà Nội nói thẳng, việc kìm giá sẽ là rất khó vì hiện liên quan đến giá điện tăng – đầu vào cơ bản và cũng là yếu tố gây áp lực đối với hầu hết nhà sản xuất.

 

Bà Nga cũng cho biết, hiện chưa thấy động thái chính thức từ các nhà sản xuất, cung ứng hàng hóa đề nghị tăng giá sản phẩm nhưng việc họ “đánh tiếng” sẽ điều chỉnh giá thời gian tới là có.

 

“Các yếu tố đầu vào của sản xuất đã có tác động nhất định đến giá thành sản phẩm nhưng doanh nghiệp đang bị kẹt giữa việc tăng giá bán, đảm bảo lợi nhuận với việc sức mua thời điểm ra Tết không cao, áp lực cạnh tranh giữa các sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước rất lớn.

 

Nếu tăng giá trong giai đoạn hiện nay sẽ không bán được hàng. Đó là lý do chính khiến các doanh nghiệp sản xuất đang xem xét, nghe ngóng thị trường chứ không phải đó là dấu hiệu hoàn toàn giữ giá” – bà Nga lý giải.

 

Cấp tập đối phó

 

 

Để thu hút người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, phương châm mà hệ thống siêu thị của ông Pascal theo đuổi đó là chính sách giá tốt nhất. Vì vậy, trong hàng loạt biện pháp đưa ra để góp phần bình ổn giá bán, thì nhanh nhạy thu mua, tăng cường dự trữ hàng hóa được cho là biện pháp cốt yếu.

 

“Chúng tôi có đội ngũ theo dõi từng động thái, diễn biến giá của thị trường do đó ở giai đoạn này, chính sách trữ hàng thật nhiều để có giá ổn định trong thời gian dài sẽ được sử dụng tối đa. Những mặt hàng “nhạy cảm” như dầu ăn, nước mắm, nước tương, mỳ chính, sữa… hiện đã được đặt mua, dự trữ từ sớm với khối lượng lớn” – vị này nói.

 

Được biết, để có mức giá bán khuyến mại là 4.900 đồng/kg cà chua hiện tại (trong khi trên thị trường tự do, mặt hàng này có thể bán với giá 10.000 đồng/kg), vị Tổng Giám đốc tiết lộ, đã phải thương lượng, chốt về số lượng cũng như mức giá với các hộ nông dân tại vùng trồng từ cách đây 2-3 tháng.

 

Thậm chí, một số mặt hàng trong nước thuộc gam hàng giá hấp dẫn của hệ thống hiện phải đặt hàng nhà sản xuất số lượng lớn từ trước cả năm trời. Đi liền với đó là chế độ thanh toán nhanh, sớm cho các nhà sản xuất, cung ứng trọng điểm nhằm giảm áp lực tài chính, hỗ trợ họ tối ưu hóa sản xuất.

 

Trước bối cảnh kinh doanh bán lẻ nói riêng năm nay được nhìn nhận là “nhiều thất thường và rủi ro” nên ngay từ bây giờ, bên cạnh việc đảm bảo giá đầu vào bình ổn thông qua các chính sách thu mua mềm mỏng, lãnh đạo nhiều hệ thống phân phối lớn cũng đã chia sẻ kế hoạch sẽ gia tăng tần suất cũng như giá trị của các chương trình khuyến mại, giảm giá để “hút” khách.

 

Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu, lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn chia sẻ, “bất kỳ sản phẩm nào, nhất là sản phẩm mới thì cách vào thị trường nhanh nhất chính là thông qua các khuyến mại tại siêu thị. Do đó, ngoài các chương trình lớn được tổ chức hàng tháng, chúng tôi cũng dự trù các chương trình bổ sung khi có các yêu cầu đột biến”.

 

Hiện chưa thể nói các chương trình mà những hệ thống lớn dự kiến đưa ra năm nay sẽ có sức thu hút như thế nào, song ngay từ bây giờ một “đại gia” lớn trong ngành bán lẻ hiện đại đã “mở màn” bằng hai chương trình rầm rộ được áp dụng cùng lúc.

 

Đại diện hệ thống này cắt nghĩa, mức giảm lần này sẽ còn sâu hơn cả mức giảm giá được áp dụng trong các chương trình khuyến mại bình thường trước đây. Với vài trăm mặt hàng nhu yếu phẩm được trợ giá tương tự như trên, đại diện hệ thống này bật mý, số tiền trích từ quỹ khuyến mại của đơn vị chi cho riêng chương trình này đã lên tới con số kỷ lục là 20 tỷ đồng.

 

“Mọi người thường cứ nghĩ là nỗ lực bình ổn giá thị trường nhưng chúng tôi thì cho rằng trong bối cảnh hiện nay bình ổn thôi chưa đủ. Mục đích cuối cùng mà các chương trình khuyến mại chúng tôi đưa ra là phải giảm giá các mặt hàng thiết yếu” – đại diện này khẳng định.