Hiệu quả bước đầu từ mô hình chăn thả gà vườn

07:50, 04/03/2010

Năm 2009, Trạm Khuyến nông Đồng Hỷ đã đề xuất mô hình chăn nuôi gà thả vườn, sử dụng chế phẩm sinh học Bôcashi rắc vào chuồng úm, trộn vào cám, nước và phun trực tiếp vào chuồng trại trước và sau khi nhập gà một tuần hai lần, thực hiện thử nghiệm tại 4 hộ trong xã Hợp Tiến từ tháng 9 đến tháng 12/2009, đến nay qua tổng kết cho thấy những kết quả bước đầu khả quan từ mô hình này.

 

Có 4 hộ thực hiện mô hình là: ông Vũ Cộng Hòa, xóm Đèo Hanh; ông Đoàn Đức Lai, xóm Cao Phong; ông Nguyễn Trọng Quý và ông Trịnh Văn Đồng, xóm Suối Khách. Mỗi hộ nuôi trên 500 con gà mía lai (lấy giống trực tiếp từ Bắc Giang và Phú Bình), được hỗ trợ 60% chế phẩm Bôcashi, đồng thời được tham gia tập huấn kỹ thuật, tài liệu và hướng dẫn sử dụng chế phẩm trong suốt thời gian thực hiện. Đã từ lâu, người chăn nuôi trong xã đã có thói quen úm gà và thả gà trên một tháng tuổi ra vườn cây tạo thành các ô chuồng để tiện chăm sóc và quản lý. Vì vậy việc thực hiện mô hình mới này rất phù hợp. Trước đây, do chưa ý thức được việc vệ sinh phòng dịch đúng cách cho đàn gà nên bà con trong xã gặp nhiều khó khăn, gà bị bệnh chết nhiều và gây ô nhiễm môi trường sinh sống cho người dân ở địa bàn lân cận. Sau thời gian thực hiện mô hình, áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật như được hướng dẫn, 4 hộ đã thu được kết quả tốt.

 

Thăm quan mô hình nuôi gà thả vườn của gia đình ông Triệu Văn Đồng xóm Suối Khách, chúng tôi được biết gia đình ông bắt đầu nuôi gà từ năm 2008 với số lượng trên dưới 500 con. Năm đầu do chưa có kinh nghiệm, gia đình ông chỉ xuất chuồng 3 đàn gà, tuy vậy gà bị bệnh nhiều nên khi bán ra không thu lãi được là bao. Ông cho biết: “Dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, gà của gia đình tôi lớn nhanh, khỏe mạnh, không bị bệnh tật. Vợ chồng tôi không phải vất vả chạy ngược xuôi lo thuốc thang, chữa trị khi gà bị dịch bệnh nữa”.

 

Một điều rất đáng nói là khi chưa sử dụng chế phẩm sinh học thì mùi hôi thối từ phân gà khiến nguồn nước của gia đình ông Đồng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Đồng thời những hộ dân sinh sống cạnh nhà thường xuyên phàn nàn vì rất khó chịu bởi mùi hôi từ khu chăn thả gà của gia đình ông. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới này, đã giảm hẳn ô nhiễm môi trường, hơn nữa hiệu quả kinh tế từ đàn gà của gia đình cũng được nâng lên đáng kể. Chỉ làm một phép so sánh đơn giản như thế này cũng thấy được hiệu quả của người chăn nuôi khi sử dụng chế phẩm sinh học. Trước đây, do vệ sinh phòng dịch chưa bảo đảm nên số lượng gà của gia đình ông Đồng chết nhiều (cứ 100 con gà chỉ có 60 con còn sống), nhưng từ khi sử dụng chế phẩm sinh học thì tỷ lệ gà còn sống rất cao (cứ 100 con gà thì có 97 con còn sống). Riêng năm 2009, gia đình ông đã thu lãi trên 80 triệu đồng từ mô hình chăn thả gà vườn.

 

Ông Đoàn Đức Lai cũng là một trong 4 hộ thử nghiệm thành công từ nuôi gà dùng chế phẩm sinh học. Khi trao đổi với chúng tôi, ông khẳng định: “Sử dụng chế phẩm sinh học hạn chế được việc gà bị các dịch bệnh. Đặc biệt mùi hôi thối của phân gà giảm đi nhiều, phân gà hoại mục nhanh thành phân hữu cơ, tận dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp rất tốt”. Ông còn cho chúng tôi biết thêm: “Biết được hiệu quả của việc dùng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà, vừa qua nhiều hộ chăn nuôi trong xã đã đến đăng ký đặt mua chế phẩm này về phục vụ cho gia đình”.

 

Được biết, Hợp Tiến hiện có gần 700 hộ chăn nuôi gà với các mô hình trang trại, gia trại. Việc nhân rộng thành công của mô hình này trong năm 2010 cũng là một mục tiêu của Trạm Khuyến nông Đồng Hỷ nói chung và người chăn nuôi trong xã nói riêng. Bởi lẽ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi gà thả vườn sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tránh được nhiều dịch bệnh trên gia cầm. Sử dụng chế phẩm sinh học còn đem lại một sản phẩm gà sạch, an toàn trong chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm và nguồn thu hiệu quả cho các hộ dân một xã còn nhiều khó khăn như Hợp Tiến.

 

Thiết nghĩ, mô hình chăn nuôi này nên được nhân rộng, để người dân nhận thức sâu sắc được lợi ích thiết thực của chế phẩm sinh học, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.