Hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi cá rô phi đơn tính

08:25, 19/03/2010

Xã Động Đạt (Phú Lương) có diện tích mặt nước ao, hồ là 86,66ha trên tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 3.900ha, rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi thủy sản.

 

Những năm trước đây, người dân chăn thả tự phát, chưa chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học nên hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi thủy sản còn thấp. Để giúp bà con phát huy được thế mạnh của địa phương, năm 2009, Trạm Khuyến nông Phú Lương đã triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại 5 hộ gia đình với tổng diện tích mặt nước trên 5.000m2.  Kết quả thu hoạch từ mô hình cho thấy, rô phi đơn tính là loài cá nuôi rất triển vọng, tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và nhanh cho thu hoạch.

 

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính ở Động Đạt có 5 hộ tham gia. Mỗi hộ có  diện tích ao từ 1.000 đến 1.200m2, mực nước ao sâu từ 1,2 - 1,5m. Ao có cống lấp và thoát nước thuận lợi. Trước đây, các hộ thường nuôi cá theo kiểu “thả nhưng không chăn”, tức là để cá tự lớn, không chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng kỹ thuật. Chẳng hạn, các hộ nuôi cá thường để nước ao bị đục, nghèo dinh dưỡng hoặc bón phân xuống ao quá nhiều làm bẩn môi trường nước và dẫn đến thiếu ôxi, làm cá chậm lớn. Có hộ do chưa biết cách phòng dịch bệnh nên dẫn đến tình trạng cá bị chết. Sau thời gian thực hiện mô hình, được cán bộ Trạm Khuyến nông tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc theo đúng quy trình 5 hộ đều thu được kết quả khả quan.

 

Chúng tôi đến tìm hiểu thực tế mô hình nuôi cá rô phi đơn tính của gia đình ông Đinh Văn Quyền, xóm Đồng Tâm, ông tâm sự: Trước đây, tôi vẫn chăn thả cá theo cách truyền thống của gia đình, mua cá giống về thả đến khi cá lớn đến đâu thì thu hoạch đến đấy. Có lần không biết vì nhiễm bệnh gì mà đàn cá bị chết phơi bụng trắng ao. Từ khi áp dụng mô hình của Trạm Khuyến nông, gia đình tôi đã tẩy dọn ao theo đúng quy trình kỹ thuật: Tháo cạn nước ao để vét bớt bùn đáy và bón vôi bột để diệt trừ mầm bệnh và cá tạp. Sau đó bón phân chuồng và phân xanh xuống ao, lấy nước vào ao đạt  mức 50 cm để gây màu nước, tạo thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá. Sau khi chuẩn bị ao theo đúng tiêu chuẩn, tôi thả hơn 3 nghìn con cá giống với kích cỡ 4 - 6cm, đảm bảo đúng chất lượng cá giống khỏe mạnh. Việc phòng bệnh được thực hiện nghiêm túc nên không có hiện tượng cá bị nhiễm bệnh trong quá trình nuôi. Kết quả thu hoạch sau 6 tháng cho thấy: Tốc độ phát triển trung bình 150g/con, chiều dài cá 20cm, chiều rộng 7 - 8cm, giá bán trung bình 15 nghìn đồng/kg. Gia đình tôi thu về hơn chục triệu đồng tiền cá.

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, xóm Làng Mạ cũng là một trong 5 hộ nuôi thử nghiệm thành công. Trò chuyện với chúng tôi, ông bảo: Nuôi cá rô phi đơn tính không phải mất nhiều công chăm sóc như nuôi lợn, gà. Chi phí đầu tư thức ăn cho cá cũng rẻ. Đặc biệt rô phi đơn tính là loài có thể sinh trưởng và phát triển ở nhiều loại hình mặt nước khác nhau như: nuôi trong ao, hồ, ruộng cấy hoặc nuôi trong lồng bè trên sông. Nhà tôi nuôi hơn 2.000 cá giống; cuối năm 2009 vừa cho thu hoạch được gần một tấn cá rô phi với giá bán trung bình 15 nghìn đồng/kg, thu về gần 10 triệu đồng. Tháng 4, tháng 5 tới thời tiết ấm, tôi lại tiếp tục nuôi cá.

 

Từ những mô hình trên, có thể nhận thấy rô phi đơn tính là loài dễ nuôi, ít bị nhiễm dịch bệnh. Tốc độ sinh trưởng của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ, thức ăn và mật độ thả. Việc nhân rộng thành công mô hình này sẽ tận dụng được diện tích mặt nước của xã một cách có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân Động Đạt.