Khe Nác thoát nghèo

10:32, 09/03/2010

Trong những năm vừa qua, nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước nên nhiều đồng bào Dao xóm Khe Nác, xã Yên Đổ (Phú Lương) đã thoát nghèo.  

 

Khe Nác hiện có 206 hộ với trên 887 khẩu, trong đó chiếm hơn 90% là đồng bào dân tộc Dao. Cả xóm chỉ có  hơn 29 ha lúa một vụ với năng suất chỉ đạt từ 35 đến 40 tạ/ha và 20 ha chè với năng suất 1,2 tạ/ha. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế như: Việc canh tác không chủ động được về nguồn nước tưới, trình độ dân trí của người dân còn hạn chế...nhưng bà con Khe Nác luôn nỗ lực cố gắng để vươn lên trong cuộc sống. Cây ngô được coi là cây trồng chủ lực giúp bà con xoá đói giảm nghèo. Do được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đồng bào Dao ở đây đã đưa giống ngô lai NK 4300 vào thay thế giống ngô địa phương năng suất thấp.

 

Đối với bà con Khe Nác, do trồng ngô trên những nương, đồi nên họ không tính diện tích bằng ha mà mỗi nhà đều tính bằng số lượng kg ngô giống. Chị Dương Thị Thơm, người dân xóm Khe Nác cho biết: Trước đây, mỗi năm gia đình tôi trồng hơn 15kg ngô giống chỉ cho thu về 7 tấn ngô. Hai năm trở lại đây, nhà tôi chuyển sang trồng giống ngô lai, năng suất đã tăng lên gần 14 tấn/năm, tăng gấp đôi so với giống ngô địa phương. Ngoài trồng ngô, gia đình chị Thơm  còn trồng sắn để lấy thức ăn chăn nuôi lợn, mỗi năm chị cũng thu được hơn 2 tấn sắn khô để phục vụ chăn nuôi. Chuồng trại của chị mỗi lứa nuôi hơn chục con lợn bột. Tổng thu nhập bình quân của gia đình cũng đạt 40 đến 50 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, chị  xây dựng nhà cửa khang trang, sắm sửa các vật dụng như ti vi, xe máy... Nhận thấy hiệu quả của giống ngô lai, đa số bà con trong xóm đều đưa cây ngô lai vào sản xuất. Các hộ trong xóm, hộ ít trồng từ 1 -2 kg giống, hộ nhiều trồng 15- 20 kg giống. Nhờ có cây ngô mà  đồng bào Dao ở đây đã không còn hộ đói.

 

Ngoài việc được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật bà con Khe Nác còn được thông qua các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, hội Phụ Nữ, hội Cựu chiến binh để vay vốn phát triển sản xuất, góp phần từng bước xoá đói giảm nghèo. Được biết, hiện 50% số hộ trong xóm có mức vay trung bình 10 triệu đồng/hộ từ các ngân hàng: Chính sách -Xã hội và Nông nghiệp - PTNT huyện để đầu tư phát triển kinh tế. Chị Dương Thị Phương, người dân trong xóm cho biết: Năm 2008, nhà tôi vừa được vay 10 triệu từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư chăn nuôi lợn và mua phân chăm bón chè. Hiện mỗi lứa nhà tôi cũng thu được gần 50 kg chè khô với giá bán trung bình 30 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, mỗi vụ nhà tôi cũng trồng 5kg ngô giống để lấy thức ăn chăn nuôi và bán cho các tư thương. Nhìn căn nhà xây khang trang còn thơm mùi sơn mới, tôi biết cuộc sống của gia đình chị đã có những đổi khác.

 

Rời nhà chị Phương, chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ nằm ven đường, đó là nhà của gia đình anh Phạm Hà Hải, một trong những hộ nghèo của xóm được Nhà nước hỗ trợ xoá nhà dột nát. Anh cho biết: Nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, sự trợ giúp của anh em, làng xóm láng giềng, gia đình tôi mới có được căn nhà xây vững chắc để ở. Giờ đây chúng tôi không còn phải lo lắng mỗi khi trời có mưa to gió lớn nữa. Ngoài việc trồng 4kg ngô lai/vụ, vào những lúc nông nhàn, anh còn đi phụ xây ở các xã trong huyện để góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Anh Hải nói với chúng tôi sẽ phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong năm tới.

 

Gia đình chị Phương, anh Hải chỉ là một trong hơn 200 hộ dân ở Khe Nác đang nỗ lực vươn lên để có một cuộc sống khá giả hơn. Nhờ kết hợp trồng ngô, cấy lúa và chăn nuôi, đời sống kinh tế của xóm đã từng bước ổn định và phát triển. Số hộ nghèo trong xóm giảm từ 30 hộ năm 2005 xuống còn 25/205 hộ hiện nay. Xóm cũng đã xuất hiện nhiều hộ làm kinh tế giỏi như: Gia đình anh Triệu Nho Tè, Phan Văn Tài, Lưu Văn Hải…có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, đồng bào Dao nơi đây còn vận động nhau loại bỏ những hủ tục rườm rà, tốn kém trong ma chay, cưới hỏi; cùng nhau xây dựng làng bản văn hoá. Trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường.

 

Chia tay chúng tôi, đồng chí Triệu Văn Tình, Bí thư chi bộ Khe Nác chia sẻ: Do chưa chủ động được về nguồn nước tưới nên việc áp dụng tiến bộ khoa hoc kỹ thuật, đưa giống những giống lúa mới như lúa lai, lúa cao sản vào sản xuất còn hạn chế. Bà con đang khao khát có một công trình thuỷ lợi dự trữ nước và tu sửa được hệ thống kênh mương nội đồng đang xuống cấp để tạo điều kiện tốt nhất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Nếu được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi sẵn sàng vận động nhân dân tham gia vốn đối ứng.