Kinh tế biển thiếu sức cạnh tranh

11:41, 20/03/2010

Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Văn Đức cho rằng, kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do chưa xây dựng được một hình ảnh "Việt Nam biển".

 

"Nền kinh tế biển Việt Nam cần phát triển theo hướng bền vững, có thương hiệu trong xu thế hội nhập quốc tế", Thứ trưởng Đức nhấn mạnh tại Diễn đàn Thương hiệu biển lần 2, diễn ra tại Quảng Ngãi hôm  19/3.

 

Hơn 300 nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia cùng nhiều lãnh đạo tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế, tham dự diễn đàn.

 

Theo các chuyên gia, vùng biển Việt Nam được biết đến như một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, cứ 100 km2 đất liền là có một km bờ biển. Đây là chỉ số lãnh thổ quan trọng cho phát triển cảng và hàng hải, cũng như các khu kinh tế hướng biển. Trong đó kinh tế hàng hải và các dịch vụ đi kèm đã trở thành một ngành mũi nhọn được ưu tiên phát triển trong chiến lược biển đến năm 2020.

 

Các chuyên gia cho rằng, tài nguyên biển, đảo Việt Nam nếu có được chiến lược tiếp thị thương hiệu đúng đắn sẽ tạo ra một nguồn lực kinh tế vô cùng to lớn. “Chỉ có nâng cao được các giá trị thương hiệu đối với sản phẩm, dịch vụ từ biển, thì mới có thể hạch toán được đầy đủ, toàn diện giá trị tài nguyên biển để phát triển bền vững đất nước”, Tổng cục trưởng Biển và hải đảo Việt Nam Nguyễn Văn Cư nêu quan điểm.

 

Việt Nam hiện có 15 khu kinh tế biển, ven biển trên cả nước. Đánh giá hiệu quả các khu kinh tế biển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế lấy khu kinh tế ven biển Dung Quất làm ví dụ. Theo đó, thực tiễn phát triển khu kinh tế ven biển Dung Quất đã cho thấy hiệu ứng lan tỏa của vùng đối với toàn bộ kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Giai đoạn năm 2006-2009, khu kinh tế Dung Quất đã góp gần 50% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp gia nhập "Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng" vào năm 2006, rồi lên 4.000 tỷ đồng vào năm 2009. Dự kiến năm 2010 này Quảng Ngãi gia nhập “Câu lạc bộ 14.000 tỷ đồng” thu ngân sách, thuộc top 10 tỉnh có nguồn thu cao của cả nước.

 

"Xây dựng, phát triển thương hiệu biển Việt Nam trong các lĩnh vực và vùng địa lý, trong đó có cảng nước sâu và khu kinh tế ven biển theo hướng kinh tế xanh là hướng đi đúng, giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết vấn đề", ông Huế khẳng định.

 

Diễn đàn thương hiệu biển Việt Nam lần này đề xuất những giải pháp phát triển kinh tế biển gửi Chính phủ. Trong đó, đề nghị Nhà nước sớm ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm có thương hiệu mạnh trong kinh tế biển; chú trọng xây dựng thương hiệu biển Việt Nam như một chương trình quốc gia cần hướng tới.

 

Các chuyên gia đề nghị cần nghiên cứu lựa chọn xây dựng vài khu kinh tế tự do ven biển, mở ra bước đột phá phát triển kinh tế biển. Có cơ chế hỗ trợ khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp chế biến sản phẩm có thương hiệu truyền thống từ biển; gắn kết và phát huy kinh tế vùng (duyên hải, biển và hải đảo).

 

Diễn đàn cũng đề nghị rà soát, quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống cảng biển quốc gia đạt tiêu chuẩn khu vực, nhằm tạo cửa mở lớn liên thông với quốc tế; xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, làm chủ công trong phát triển kinh tế biển..