Năm qua, nhiều hội viên nông dân xã Hồng Tiến, Phổ Yên đã tích cực vượt khó vươn lên đạt được nhiều thành tựu về kinh tế góp phần vào việc cùng với các ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó đáng chú ý phải kể đến phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, với nhiều mô hình phát triển kinh tế giỏi cho thu nhập cao.
Điển hình như mô hình chăn nuôi chim cút đẻ trứng của gia đình anh Hà Văn Lập, 54 tuổi ở xóm Giếng. Từ mô hình này mỗi năm cũng cho gia đình anh thu nhập trên 100 triệu đồng.
Chúng tôi đã theo chân đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã và chị cán bộ khuyến nông phụ trách địa bàn đi đến gia đình anh Hà Văn Lập. Sau cái bắt tay chân tình anh Lập phấn khởi tâm sự về những ngày đầu nuôi chim của gia đình mình. Anh nói "Tình cờ do một lần về quê con dâu cả ở huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc ăn cỗ cưới tôi thấy mô hình nuôi chim cút đẻ trứng này rất hay và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình mình. Sau đó, tôi đã nhiều lần về nơi đó để học hỏi kinh nghiệm và tìm đọc thêm tài liệu hướng dẫn cách nuôi chim cút đẻ trứng".
Đầu năm 2008 với số vốn gia đình có hơn 10 triệu đồng, anh làm đơn và được Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho vay 10 triệu đồng. Có được số tiền vay được của ngân hàng, anh đã đầu tư gần 10 triệu đồng vào xây dựng chuồng trại và mua 2.000 con chim hậu bị (26 ngày tuổi) với giá 5.000đ/con về nuôi. Được khoảng 36 ngày thì chim bắt đầu đẻ bói, nuôi thêm 10 ngày nữa thì chim đẻ đều, tỷ lệ chim đẻ trứng đạt từ 90% đến 95%, chim đẻ từ 8 đến 10 tháng liên tục, đạt năng suất từ 500 - 600 trứng /1 nái trứng, đẻ ra không phải lo đầu ra, người đến tận nhà thu mua.
Để công việc chăn nuôi đảm bảo đạt hiệu quả cao, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm, kĩ thuật chăn nuôi từ bạn bè, anh còn theo học lớp sơ cấp thú ý do huyện tổ chức. Do biết vận dụng các kiến thức khoa học, kĩ thuật đã học được nên việc chăn nuôi chim cút đẻ trứng của gia đình anh đã không bị thất bại lần nào.
Bước đầu thấy việc nuôi chim cút đẻ trứng hiệu quả, đầu năm 2009, anh Lập đã bàn với vợ và các con, mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ nguồn vốn Quốc gia giải quyết việc làm thông qua Hội Nông dân xã Hồng Tiến để mở rộng mô hình nuôi chim cút đẻ trứng. Hiện nay, gia đình anh đã hơn 5.000 chim mái với số lượng trứng mỗi ngày đạt từ 4.500 đến 4.700 quả, doanh thu mỗi năm đạt trên 100 triệuđồng.
Anh Lập cho biết để nuôi chim cút đẻ trứng đạt hiệu quả kinh tế cao "Nhất thiết phải cho chim mẹ ăn đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cung ứng đủ lượng nước uống sạch, chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Ngoài ra hàng ngày phải thường xuyên quan sát, kiểm tra, theo dõi để sớm phát hiện dịch bệnh, xử lý kịp thời".
Có thể nói mô hình nuôi chim cút đẻ trứng của gia đình anh Hà Văn Lập ở xóm Giếng, xã Hồng Tiến là một mô hình phát triển kinh tế hộ tuy không phải mới nhưng ở Phổ Yên hầu như chưa có hộ nào nuôi.
Từ mô hình nuôi chim cút đẻ trứng của gia đình anh Hà Văn Lập ở xóm Giếng xã Hồng Tiến cho chúng ta thấy: con đường làm giàu bằng phát triển kinh tế nông nghiệp không phải là khó. Điều quan trọng là ngoài việc biết lựa chọn được một mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình và địa phương.