Những phụ nữ giàu nghị lực

10:34, 15/03/2010

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đứng ra tín chấp ngân hàng hàng trăm tỷ đồng cho hàng nghìn lượt cán bộ hội viên phụ nữ vay. Cùng với đó là tổ chức tập huấn  khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho hàng nghìn lượt hội viên. Nhờ đó nhiều chị em “bật” ra được ý tưởng làm giầu, mỗi người một cách nhưng các hội viên đều sử dụng đồng vốn  hiệu quả…  

 

Trong nhà có 5 nhân khẩu, gồm mẹ già, chồng ốm đau thường xuyên, 2 con tuổi ăn học nên chị Lương Thị Hương ở thôn Đồng Uẩn, xã Phúc Chu (Định Hoá) là lao động chính của gia đình. Ngoài 6 sào ruộng, gia đình chị không có thu nhập gì thêm, vì thế cuộc sống gia đình luôn túng khó. Trong lúc khó khăn, chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện, giúp chị vay được 5 triệu đồng vốn để đầu tư chăn nuôi. Khi đó năm 2005, chị đã dành số vốn này mua 1 con lợn nái và xây dựng chuồng trại. Sau 1 năm, số lợn con bán được chị đã có đủ tiền trả nợ ngân hàng. Thấy mình “mát tay” trong chăn nuôi, năm 2007 chị mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, với quy mô 5 lợn nái, 20 lợn thịt, mỗi năm trừ chi phí gia đình chị còn có lãi từ 25 đến 30 triệu đồng. Bà Lương Thị Von, Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Chu nhận xét: Bằng nghị lực của mình, chỉ trong khoảng thời gian 3 năm gần đây (2007-2009) chị Hương không chỉ thoát nghèo, mà đã sắm sửa được tiện nghi trong nhà khá đầy đủ.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Nga, Phó ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh cho biết: Chị Hương là một trong hàng nghìn hội viên Phụ nữ có nghị lực vươn lên, mạnh dạn đầu tư trong phát triển kinh tế, riêng năm 2009 các cấp Hội đã có trên 3.000 gia đình hội viên thoát nghèo... Đây là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Hội LHPN tỉnh với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn. Vì năm 2009 vừa qua, các cấp Hội đã tín chấp với các ngân hàng vay trên 506 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ vay. Cùng thời gian, các cấp Hội có trên 50 nghìn lượt cán bộ, hội viên được tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, quản lý vốn vay... và trên 4.000 lượt phụ nữ được tư vấn, đào tạo nghề... Cũng nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, không ít chị em đã “bật ra” được ý tưởng làm giàu. Trong những điển hình ấy phải k tới chị Đỗ Thị Thuý, xóm 4, xã Hùng Sơn (Đại Từ). Từ quy mô chăn nuôi 20 lợn nái ngoại năm 2005, đến nay đã phát triển lên 100 con, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Năm 2009, trừ các khoản trả cho người lao động, chi phí dịch vụ chăn nuôi, gia đình chị còn có lãi 500 triệu đồng. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình mình, chị Thuý còn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ các hội viên cùng làm giàu bằng cách cho vay vốn không lấy lãi, cung ứng thức ăn chăn nuôi, tư vấn về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho một số chị em trong xã.

 

Mỗi người một cách làm, nhưng quan trọng là vốn, kỹ thuật và đòi hỏi ở mỗi người sự cần cù, biết sử dụng vốn đầu tư sao cho có hiệu quả nhất. Bà Lường Thị Dung, xóm Na Pháng, xã Yên Trạch (Phú Lương) đã quyết tâm xoá đi quãng đời nghèo khó của mình từ 6 triệu đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện. Năm 2006, sau khi được tham gia một số lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, cùng với đó là sự động viên của các chị em trong Chị hội Phụ nữ Na Pháng, chị Dung mạnh dạn mua máy xay xát, mua lợn sinh sản và phát triển đàn lợn bột, thời gian rảnh chị làm mành cọ, đồng thời tranh thủ phát dọn nương bãi, trồng được 2 ha rừng. Có bao nhiêu vốn chị đều đầu tư trở lại cho sản xuất, đồng thời dành dụm tiền sửa sang nhà cửa, sắm sanh đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. “Túc tắc” đến năm 2007, gia đình chị được xoá tên trong danh sách hộ nghèo của xã... Nói chuyện làm giàu, chị Hoàng Thị Kiều, xóm Làng Phan, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) tâm đắc: Năm 1988, khi xây dựng gia đình, bố mẹ 2 bên cùng nghèo nên cuộc sống hết sức khó khăn. Song nhờ chăm chỉ, chi tiêu có kế hoạch nên hằng năm có bao nhiêu vốn vợ chồng tôi lại mua thêm đất trồng cấy. Đến nay vợ chồng tôi đã có trong tay một có ngơi khang trang, với 5.600 m2 đất sản xuất. Để đất “đẻ ra tiền”, vợ chồng tôi cải tạo lại vườn bãi, chỗ cao dành trồng cây ăn quả, nơi đất trũng đào ao nuôi thả cá, chăn nuôi gà, lợn... bằng mô hình kinh tế VAC này, trong 3 năm gần đây, trừ chi phí gia đình tôi còn tích luỹ được hơn 50 triệu đồng/năm.

 

...Còn nhiều nữa những tấm gương phụ nữ giàu nghị lực, vươn lên trong phong trào xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Song chúng tôi biết: Để đạt được điều mong ước không có tên trong danh sách hộ nghèo, các hội viên đã có một điểm tựa tin cậy - Hội LHPN các cấp.