Nhà cung cấp xăng dầu lớn nhất VN - Petrolimex vừa thông báo tính đến chiều 15/3, với mỗi lít xăng bán lẻ hãng đang lỗ khoảng 526 đồng, các mặt hàng dầu cũng gần như không còn đồng lãi.
Công bố này đi kèm với bản so sánh chi tiết giá bán lẻ xăng dầu hiện hành với giá vốn theo đúng cam kết của hãng - sẽ công khai cách tính tính giá bán lẻ để tạo sự minh bạch cho thị trường. Công thức tính giá bán lẻ sẽ bao gồm các loại thuế, phí, lợi nhuận định mức, khoản trích quỹ bình ổn… bên cạnh giá nhập khẩu trên thị trường thế giới bình quân 30 ngày.
Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phải công bố đầy đủ các thông tin mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Ảnh: Hoàng Hà.
Hãng cho biết trong vòng 30 ngày qua, giá xăng A92 thành phẩm chào bán tại thị trường Singapore - nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các doanh nghiệp Việt đang đứng ở mức rất cao với 86,339 USD một thùng. Các mặt hàng dầu dao động quanh ngưỡng 85,996 USD một thùng. Với giá nhập khẩu này, sau khi cộng các khoản phí, thuế, chênh lệch tỷ giá, khoản trích quỹ bình ổn… giá mỗi lít xăng A92 về thị trường vào khoảng 17.816 đồng, trong khi giá bán lẻ hiện hành là 16.990 đồng. Nếu trừ 300 đồng tiền lãi định mức đã tính trong giá bán lẻ, mỗi lít xăng A92 Petrolimex đang lỗ khoảng 526 đồng. Tương tự, đối với mặt hàng dầu diezel, khoản lỗ này vào khoảng 328 đồng mỗi lít, còn dầu hỏa lỗ 318 đồng và dầu mazut lỗ 90 đồng mỗi kg.
Với so sánh trên, ba mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa đang lỗ nặng nhất, khi giá vốn đến nay đã tăng lên tới 4,9%, 4,3% và 4,1% so với giá bán lẻ trong nước. Tỷ lệ chênh lệch này ở dầu mazut là 3%. Hãng cho biết, cách tính trên được căn cứ vào tỷ giá giữa đồng đôla Mỹ và VNĐ là 19.100 đồng, thuế nhập khẩu xăng và dầu hỏa là 20%, thuế nhập khẩu dầu diesel và dầu mazut là 15%.
Theo Nghị định 84 có hiệu lực thi hành từ cuối năm 2009, cho phép doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo thị trường. Trong đó, thời gian tăng giá liên tiếp giữa 2 lần tối đa 10 ngày, và tối thiểu 10 ngày cho mỗi đợt giảm giá. Tuy nhiên, hồi cuối tuần trước, Bộ Tài chính đã có văn bản “khẩn” yêu cầu các doanh nghiệp từ nay đến tháng 6 phải thực hiện việc giãn các lần tăng giá bán lẻ xăng dầu để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Trong trường hợp việc kéo dài thời gian tăng giá giữa 2 lần làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, cần báo cáo liên Bộ Tài chính - Công Thương để thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp sẽ phải nâng lên đặt xuống và cân nhắc kỹ trước khi đặt bút ký quyết định tăng giá bán.