Được người dân địa phương giới thiệu, chúng tôi tìm đến xưởng mộc của anh Nghiêm Đình Thuyên, xóm Phú Lâm, xã Kha Sơn (Phú Bình), n ơi chuyên tham gia sản xuất các sản phẩm theo mẫu mã Đồng Kỵ (Bắc Ninh).
Khác với những gì chúng tôi hình dung, cơ sở sản xuất của anh Thuyên trông rất khiêm tốn, với diện tích nhà xưởng chỉ vài chục m2 và ông chủ của xưởng cũng rất trẻ - nom trẻ hơn tuổi 31 của mình. Vậy nhưng, chàng thanh niên ấy đã có gần 20 năm trong nghề và cơ sở sản xuất của anh lâu nay đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức thu nhập từ 1-3 triệu đồng/người/tháng (chưa kể nuôi ăn cả ngày). Như đoán được băn khoăn của chúng tôi về nhà xưởng, anh Thuyên giải thích: Để làm được 1 sản phẩm đồ gỗ theo mẫu mã Đồng Kỵ, như: Kệ, tủ, giường, bàn ghế… thì cần có sự tham gia của 3 thợ chính, gồm: thợ ngang, thợ đục và thợ khảm. Thợ ngang là người tạo dáng, lắp ghép, hoàn chỉnh sản phẩm; thợ khảm là người khảm trai hoặc một số chất liệu khác lên sản phẩm; còn thợ đục là người chuyên đục, chạm khắc các họa tiết, kiểu cách cho sản phẩm. Do chuyên về đục nên cơ sở sản xuất không cần diện tích rộng như với nhà xưởng của thợ ngang, bởi những sản phẩm đục thường có nhỏ; qua công đoạn lắp ghép mới cho ra sản phẩm hoàn chỉnh, có kích cỡ lớn, như: sập thờ, bàn ghế...
Anh Thuyên tâm sự: Do chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học hành nên khi đang học xong lớp 6, mình đã bỏ học ở nhà. Được mấy tháng, thấy nhiều người sang Bắc Ninh học nghề mộc, mình cũng đi theo. Do nhỏ tuổi nên học đục là hợp lý nhất, bởi công việc này không mất nhiều sức lực, mà quan trọng nhất là sự tinh ý và đôi bàn tay khéo léo. Mất 3 năm cơm đóng, gạo góp, đến năm thứ 4, mình bắt đầu được thầy trả công và đã tự nuôi được bản thân… Nói rồi, anh chỉ vào đoạn gỗ trước mặt và bảo Với đoạn gỗ này, dưới bàn tay của thợ đục, nó có thể trở thành bông hồng, quả đào, con ngư, con rồng, tuỳ theo yêu cầu của khách. Được tận mắt xem anh và các thợ của anh đục các sản phẩm với nhiều mẫu mã, hoa văn khác nhau, chúng tôi thấy vô cùng thích thú. Được biết cơ sở sản xuất của anh đang phát triển rất tốt với tiền lãi trung bình hiện nay là trên 10 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay, anh Thuyên đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt là trong những ngày đầu lập nghiệp, đó là vào năm 2003. Do bố mẹ già cả, không có người trông nom nên anh phải về nhà. Khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có 2-3 cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất theo mẫu mã Đồng Kỵ. Anh đã đạp xe đến nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc trong và ngoài huyện xin đảm nhận phần đục nhưng đều bị từ chối, bởi họ thấy anh còn trẻ, lại chưa biết tay nghề của anh ra sao. Không nản lòng, anh tìm đến một số cơ sở ở Bắc Giang và đã được 1 cơ sở sản xuất ở đây đồng ý thuê làm. Đạp xe đến nhận hàng, rồi lại đạp xe đến giao hàng, cứ thế, tuần nào cũng như tuần nào, anh luôn giữ đúng lời hẹn với chủ. Do biết anh cần việc nên thời gian đầu anh thường xuyên bị chủ hàng ép giá với lý do hàng bán chậm. Không nản lòng, một mặt anh vẫn duy trì tốt mối quan hệ với mối hàng cũ, mặt khác anh tiếp tục tìm việc ở các địa bàn lân cận. Mang sản phẩm mình làm ra để “quảng cáo”, dần dần anh đã được một số cơ sở sản xuất đồng ý đặt hàng. Với nét đục tinh xảo, sáng tạo và thời gian giao hàng đúng hẹn, các cơ sở sản xuất tìm đến anh ngày một nhiều. Sau 1 năm mở xưởng, thay vì việc phải nhận và giao hàng tận nhà khách hàng, nay khách phải mang gỗ đến và nhận sản phẩm tại nhà anh.
Thành công bước đầu trong nghề đã tạo động lực để anh mở rộng quy mô nhà xưởng. Anh đang mua thêm máy móc và tuyển thêm thợ để có thể đảm nhận hoàn chỉnh những sản phẩm mang mẫu mã Đồng Kỵ. Với sức tiêu thụ khá lớn của thị trường hiện nay đối với mặt hàng này, nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đang và sẽ tiếp tục được xem là nghề mang lại nhiều hưng thịnh và có khả năng phát triển mạnh, nhất là khi trên địa bàn Phú Bình đã có 2 địa phương được công nhận là làng nghề chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.