Theo thống kê của UBND xã Sơn Phú (Định Hóa), từ năm 2005 đến nay, diện tích chè của xã không tăng, sản lượng thậm chí giảm nhưng giá trị của cây chè trên địa bàn xã lại tăng đáng kể. Có được kết quả này xuất phát từ việc người dân địa phương đang dần thay thế diện tích chè trung du bằng các giống chè mới cho chất lượng, hiệu quả hơn.
Trưởng xóm Lê Mạnh Thìn cho biết: Cây chè là nguồn thu nhập chính của người dân trong xóm, 100% các hộ đều trồng chè, nhà ít cũng có vài sào, nhiều đến gần ha. Do giống chè cũ đã già cỗi, hiệu quả thấp nên từ năm 2004, bà con trong xóm đã bắt đầu chuyển đổi giống chè một cách tự phát. Sau khi tiếp nhận chủ trương và những hỗ trợ của xã nhằm thay thế các giống chè hiệu quả hơn, xóm đã tập trung vào cải tạo diện tích chè đồi bằng các giống mới như: LDP1, PH1, TRI 777, Phúc Vân Tiên đến nay xóm có khoảng 15ha chè giống mới (chiếm 90% diện tích chè)…diện tích chè này được trồng xen vào giữa những luống chè cũ để vẫn tận dụng khai thác cây chè cũ khi chè mới chưa cho thu hoạch, Trung bình mỗi năm xóm trồng được từ 1 đến 2 ha chè giống mới, riêng năm 2009 trồng thay thế được 3,3ha chè. Sơn Thắng phấn đấu sẽ thay thế hoàn toàn diện tích chè còn lại vào năm 2010. Bà Vũ Thị Hòa, hộ có gần 4.000m2 chè đã chuyển đổi sang trồng giống LDP1 cho hay: Tuy sản lượng chè giống mới của gia đình còn thấp do mới được 3 năm tuổi nhưng hiệu quả cao hơn hẳn so với giống cũ do giá chè cành cao hơn chè giống trung du từ 1,5 đến 2 lần.
Ông Bàng Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UNND xã Sơn Phú cho biết: Cây chè đã gắn bó với người dân ở Sơn Phú cách đây từ 40 đến 50 năm, do vậy phần lớn diện tích này đã trở nên già cỗi, cho năng suất và chất lượng kém. Nắm bắt được điều này, từ năm 2005, Đảng bộ xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề riêng tập trung vào đẩy mạnh cải tạo, thay thế và thâm canh giống chè, hướng tới vùng chè nguyên liệu có chất lượng cao. Để thực hiện nghị quyết, xã dành toàn bộ nguồn vốn của Chương trình 135 về hỗ trợ sản xuất để hỗ trợ những hộ nghèo thay thế giống chè. Từ năm 2007 đến nay, đã có trên 450 hộ nghèo của xã tiếp cận được nguồn vốn trong đó hỗ trợ 80% giá giống, người dân đối ứng 20% với tổng số tiền gần 300 triệu đồng. Kết quả, xã đã trồng thay thế được trên 60ha chè giống mới tập trung ở các xóm như: Sơn Thắng, Phú Hội… Để chủ động nguồn giống, xã cũng thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích về vốn, giới thiệu thị trường... để các gia đình phát triển vườn ươm. Toàn xã hiện đã có 22 gia đình chuyên sản xuất hom giống, hàng năm sản xuất trên 3,5 triệu cây giống, không chỉ cung cấp cho địa phương và cả các địa bàn các xã trong và ngoài huyện.
Song song với thay thế giống chè mới, xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức nhiều buổi tập huấn, tiếp nhận các dự án về cây chè nhằm thay đổi tư duy sản xuất, kỹ thuật chăm sóc và chế biến chè của người dân. Ông Vũ Văn Việt, xóm Phú Hội 2 cho biết: Từ khi được tập huấn về kỹ thuật, gia đình tôi đã thay đổi tư duy trong sản xuất chè. Gia đình tôi đã dần thay thế phân hóa học bằng loại phân vi sinh tự ủ tận dụng từ những phụ phẩm nông nghiệp. Chè hái về không còn để qua đêm mà được sao ngay khi đã đủ độ héo, mỗi lần sao cũng ít hơn trước (chỉ từ 1,5 đến 2kg/lần) do vậy, chất lượng chè thành phẩm bán được giá cao hơn từ 15 đến 20%. Bà Ngô Thị Thông, xóm Phú Hội 2 chia sẻ: Sau khi được tập huấn, gia đình đã quan tâm nhiều hơn đến việc tưới nước và bón phân cho cây chè vào vụ đông. Trong vụ đông năm nay, do tích cực chăm sóc và áp dụng kỹ thuật chế biến mới, từ 4 sào chè, gia đình bà thu được 25kg chè khô với giá bán cao hơn hẳn chè chính vụ (từ 80 đến 90 nghìn đồng/kg). Trong xã ngày càng nhiều gia đình sử dụng máy sao chè bằng inox.
Cũng theo ông Bàng Ngọc Bích, chuyển đổi cơ cấu giống bước đầu đã giúp cây chè của xã tăng khá về năng suất, đạt trên 7 tấn chè khô/ha/năm. Giá trị chè thành phẩm tăng từ 1,5 đến 1,7 lần so với chè giống cũ. Trong số trên 450 gia đình hộ nghèo được hỗ trợ trồng thay thế giống mới đã có khoảng 30% số hộ thoát nghèo từ cây trồng mũi nhọn này. Trong những năm tới, xã sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, đồng thời nâng cao chất lượng và thương hiệu, tạo điều kiện cho nhiều người dân làm giàu từ chính cây trồng truyền thống của địa phương mình.