Sức bật mới từ “cái nôi” của ngành thép Việt Nam

13:22, 12/03/2010

Khi nói về lịch sử của ngành thép Việt Nam, cái tên đầu tiên người ta nhắc đến chính là Công ty Gang thép Thái Nguyên mà hiện nay đã chuyển đổi thành Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên với thương hiệu TISCO nổi tiếng. Trong bài viết này xin không điểm lại những thăng trầm trong quá trình xây dựng và phát triển mấy chục năm qua của Công ty mà chỉ ghi nhận những nỗ lực vượt bậc của Công ty trong năm 2009, trước cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu và sự suy giảm kinh tế trong nước.

 

Phải nói rằng, bước vào năm 2009, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Đó là xử lý những tồn tại của năm 2008-năm giá thép xây dựng sụt giảm ở mức kỷ lục. Rồi những lo lắng về chi phí khấu hao tài sản cố định tăng cao sau khi xác định giá trị doanh nghiệp để tổ chức chuyển thành Công ty cổ phần. Hơn nữa, Công ty phải cùng một lúc tổ chức thực hiện nhiều dự án đầu tư có giá trị khổng lồ cộng với sự biến động phức tạp của thị trường thép xây dựng và giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào, cạnh tranh ngày càng gay gắt… Tuy nhiên, với bản lĩnh của một đơn vị có bày dày truyền thống, sự năng động, linh hoạt và điều hành quyết liệt của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc cũng như sự cố gắng của tập thể lao động, năm qua Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra và đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay, trên 6.658 tỷ đồng.

 

Ngay từ đầu năm, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị nguyên, nhiên vật liệu đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất; sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản hiện có như than mỡ, quặng sắt; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các kho bãi, giá cả chất lượng đầu vào, giảm định mức tồn kho. Chính điều đó đã góp phần tích cực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Công ty. Một trong những biện pháp tăng cường hiệu quả chính là việc chỉ đạo 18 chi nhánh trực thuộc duy trì sản xuất mãn tải, phát huy tối đa công suất máy móc thiết bị, đặc biệt tập trung vào Nhà máy luyện gang, luyện thép và các nhà máy cán thép, phấn đấu duy trì sản xuất ổn định, tránh tối đa việc phải ngừng lò. Để đảm bảo vấn đề này, việc duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị đã được các chi nhánh của Công ty đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, năm vừa qua giá trị sản xuất công nghiệp của Công ty đã đạt 2.240 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2008. Sản lượng thép cán cũng đạt trên 570 nghìn tấn, phôi thỏi đạt gần 269 nghìn tấn, gạch lò cao trên 213 nghìn tấn. Cùng với đó, vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm cũng được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, bộ phận kiểm định của Công ty đã tăng cường kiểm tra phát hiện và kịp thời loại bỏ những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn; thực hiện nề nếp việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và phiên bản mới ISO 9001:2008.

 

Cùng với sản xuất, vấn đề tiêu thụ luôn được Công ty quan tâm chỉ đạo và xem là một trong những khâu then chốt. Ông Trần Văn Khâm, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Năm qua, trước tình hình biến động bất thường của thị trường thép trong nước và thế giới, Công ty đã chủ động theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến thị trường để có biện pháp điều chỉnh cơ chế, chính sách, giá bán cho phù hợp, khai thác được ưu thế của sản phẩm để mở rộng thị trường, tăng thị phần và khẳng định vị thế của thương hiệu thép TISCO. Công ty cũng chỉ đạo các đại lý nghiêm túc thực hiện chủ trương bán hàng có bảo lãnh, mở rộng quan hệ với các nhà thầu xây dựng, các tổng công ty, các đơn vị xây dựng để tăng sản lượng thép cung cấp trực tiếp vào các công trình. Công ty đã xây dựng phương án phát triển hệ thống phân phối theo hướng duy trì bán lẻ với tỷ lệ hợp lý, đẩy mạnh bán buôn, bán trực tiếp đến chân công trình và tăng cường xuất khẩu. Với những biện pháp hợp lý, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung, năm 2009 Công ty vẫn tiêu thụ gần 552 nghìn tấn thép cán, tăng 15% so với năm trước.

 

Thực hiện Dự án đầu tư giai đoạn II với giá trị hợp đồng lên tới trên 160 triệu USD, thời gian qua Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã tích cực cùng với nhà thầu triển khai thi công một số hạng mục cụ thể như: Khu bãi liệu, xây dựng Nhà máy luyện gang, luyện thép, Nhà máy cốc hóa…Cùng với đó, Công ty cũng tiến hành thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu như: Dự án nâng công suất Nhà máy luyện thép; Dự án phun than lò cao Nhà máy luyện gang; Dự án giá cán 150 x 150 Nhà máy cán thép Thái Nguyên và hai dự án đầu tư mới là Dự án xây dựng Nhà máy cán thép Thái Trung  và Nhà máy hợp kim sắt Phú Thọ.

Theo nhận định chung, năm 2010 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức với ngành thép, nhưng với quyết tâm cao độ, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra: Đạt doanh thu trên 7.238 tỷ đồng, lợi nhuận trên 150 tỷ đồng, nộp ngân sách 157 tỷ đồng và đảm bảo mức lương bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng cho 6.000 lao động.