Nằm ở trung tâm huyện Phổ Yên, gần kề với Quốc lộ 3, thôn Yên Ninh thị trấn Ba Hàng là địa bàn có nhiều lợi thế để thu hút nhiều dự án trọng điểm của huyện. Chỉ trong vòng 2 năm đã có 7 dự án được triển khai tại đây, lấy đi trên 4,6ha đất canh tác. Điều này không những không gây khó khăn cho cuộc sống của nông dân trong thôn mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế...
Yên Ninh là thôn đông dân nhất của thị trấn Ba Hàng, gồm 315 hộ với 1.208 nhân khẩu. Kể về thời gian trước đây, đồng chí Nguyễn Đình Vỵ, Phó Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Khi chưa có dự án vào, thôn còn có tỷ lệ hộ làm nông nghiệp khá cao chiếm 80%, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm trên 10%. Từ năm 2008 đến nay, nhiều dự án trọng điểm của huyện đã được lựa chọn triển khai trên địa bàn, đời sống nhân dân đã có bước ngoặt mới.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu đất đã được quy hoạch xây dựng Khu dân cư Thái Thịnh, Đồng chí Phó Bí thư Chi bộ thôn cho biết thêm: Ban đầu việc triển khai các dự án không dễ dàng bởi mất đi tư liệu sản xuất, bà con nông dân không khỏi lo lắng về cuộc sống của mình trong tương lai. Trước tình hình đó, Chi bộ thôn đã tổ chức họp và ra nghị quyết mỗi đảng viên tự vận động gia đình anh em họ hàng bàn giao đất. Tiếp đó, thành lập Tổ công tác gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể và các cụ có uy tín đại diện các dòng họ đến từng nhà vận động, đến 1 lần dân chưa thông thì đến 2, 3 lần có hộ phải đến 4-5 lần mới nhận được sự đồng tình. Đến nay, 100% các hộ có đất đều đã sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Để có được sự đồng tình này, không chỉ đơn giản là Tổ công tác chỉ đến giải thích về ý nghĩa của các dự án, rồi vận động họ bàn giao đất mà còn phải khuyến khích họ chuyển đổi ngành nghề một cách phù hợp với điều kiện của từng hộ, đưa ra các mô hình phát triển kinh tế hợp lý và khả thi để bà con học tập làm theo. Kết quả là đa số những hộ chuyển đổi đều đã có sự thành công bước đầu.
Hộ ông Lê Danh Khánh là một điển hình. Trước đây gia đình ông Khánh là hộ nghèo nhiều năm của thôn. ông Khánh cho biết: Cuộc sống gia đình ông thay đổi kể từ khi Dự án xây dựng chợ Ba Hàng được triển khai. Dự án này đã lấy đi trên 400m2. Ông Khánh cho biết: Ban đầu tôi rất lo lắng bởi nhà chỉ có 1.500m2 đất sản xuất nông nghiệp, quanh năm hết cấy lúa lại trồng màu còn chẳng đủ ăn, thế mà lại còn thu hẹp diện tích lại thì biết lấy gì để sống. Nhưng sau khi được các cán bộ vận động, tôi mạnh dạn vay ngân hàng chính sách huyện được 25 triệu đồng, cùng với số tiền hỗ trợ của Nhà nước, tôi đầu tư chuồng trại nuôi lợn thịt. Ban đầu tôi nuôi 50 con/lứa. Qua 1, 2 lứa thấy có lãi tôi tiếp tục mở rộng quy mô. Hiện nay trong chuồng lúc nào tôi cũng chăn khoảng 70 đầu lợn cộng với thả thêm 300 con gà mỗi năm cũng cho thu nhập 30-50 triệu đồng. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Cũng là hộ làm nông nghiệp phải dành toàn bộ diện tích đất canh tác của gia đình để xây dựng Dự án Trạm tăng áp nước và dự án xây dựng Khu dân cư Thái Thịnh, nhưng gia đình anh Nguyễn Đình Thiện lại chọn mô hình kinh doanh thức ăn gia súc gia cầm để chuyển hướng phát triển kinh tế. Anh Thiện tâm sự: Gia đình tôi có lợi thế là nhà mặt đường nên khi không còn đất sản xuất nông nghiệp, tôi nghĩ ngay đến việc chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng gì đó. Qua tìm hiểu thị trường, tôi quyết định đầu tư mô hình kinh doanh thức ăn gia súc gia cầm đồng thời mở trang trại chăn nuôi lợn. Mỗi năm, từ mô hình này cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng.
Sự thành công của một số mô hình chuyển đổi trước đã tạo thêm niềm tin cho nhân dân trong quá trình chuyển đổi ngành nghề. Nhiều hộ trong thôn từ chỗ chưa đồng tình cũng sẵn sàng bàn giao mặt bằng để tìm kiếm cơ hội ở một nghề mới. Trong vòng 2 năm, nhiều hộ trong thôn đã chuyển đổi từ cấy lúa, trồng màu sang các mô hình kinh tế khác, trong đó chủ yếu là chuyển sang mô hình chăn nuôi và dịch vụ. Tỷ lệ hộ làm nông nghiệp của thôn đã giảm từ 80% số hộ xuống còn 60%. Điều quan trọng là 100% các hộ chuyển đổi đều đã ổn định cuộc sống mới, thậm chí nhiều hộ giàu lên nhờ sự chuyển đổi này. Đến nay, toàn thôn có gần 50 mô hình dịch vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng khoảng 10 mô hình so với năm 2008. Có trên 40 mô hình chăn nuôi lợn, gà, dế… cho thu nhập từ 30 triệu đồng/năm trở lên, tăng gần 20 mô hình.