Vẫn chưa kiểm soát được giá sữa

09:13, 13/03/2010

Cho đến nay, biện pháp mạnh để kiềm chế tăng giá sữa vẫn chưa có, người tiêu dùng cuối cùng vẫn phải cắn răng mua sữa giá cao và tiếp tục chờ đợi sự vào cuộc nhanh hơn và hiệu quả hơn  của các cơ quan chức năng.

 

Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) là, giá sữa sẽ chưa thể giảm được trong tháng tới bởi cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa thể ban hành thông tư mới về quản lý giá sữa. Điều này một lần nữa lại cho thấy sự lúng túng trong việc quản lý của liên Bộ Tài chính và Công thương đối với một mặt hàng nhạy cảm và liên tục tăng giá trong thời gian dài.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết chưa thể khẳng định được thời gian chính thức thông tư mới thay thế Thông tư 104 về quản lý giá các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, trong đó có mặt hàng sữa. Và như vậy, thị trường sữa sẽ còn “sốt giá” ít nhất là từ nay đến đến khi thông tư có hiệu lực. Thậm chí thị trường có thể chưa chịu tác động ngay vì thông tư chỉ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ban hành.

 

Trở lại với vấn đề giá sữa,  tháng 11/2008, Bộ Tài chính ban hành thông tư 104 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn giá khi có biến động giá bất thường ở 16 mặt hàng thiết yếu trong đó có sữa… Tuy nhiên, điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn có nhiều bất cập, chẳng hạn như với mặt hàng sữa: theo quy định thì “trong thời gian tối thiểu 15 ngày liên tục, giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi biến động” thì mới có điều kiện áp dụng biện pháp bình ổn. Trong thực tế, giá sữa chưa bao giờ tăng trên 20% cùng một lúc mà nhà phân phối khéo léo lách luật bằng cách chia việc tăng giá thành nhiều đợt, mỗi đợt đều tăng dưới 20%.

 

Chỉ trong năm 2009, cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành 3 đợt kiểm tra chính thức, cho thấy giá sữa tăng đều, và từ đầu năm đến nay giá sữa đã tăng 2 lần nữa, bình quân mỗi lần khoảng 7-10%.

 

Ở mặt hàng sữa bột cho trẻ em, người ốm và người lớn tuổi, chiếm phần lớn thị phần Việt Nam là các kênh phân phối của các hãng nước ngoài như Dutch Lady, Abbott, Nestlé và Mead Johnson...; các doanh nghiệp này lại không thuộc đối tượng phải đăng ký giá, vì thông tư 104 chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có trên 50% vốn sở hữu Nhà nước.

 

Trước lỗ hổng này, Bộ Tài chính mới sửa đổi bằng cách soạn thảo thông tư mới  thay thế thông tư 104 với những thay đổi như: mở rộng danh sách đối tượng phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá hàng hóa và dịch vụ bao gồm cả các doanh nghiệp tư nhân không kể trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký giá bán, trong đó có thuyết minh mức giá, khống chế mức chi phí quảng cáo, tiếp thị sữa không quá 10% doanh thu.

 

Ông Nguyễn Tiến Thoả, Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết: “Các doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký giá mặt hàng sữa để trên cơ sở đó các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương có phương án xử lý kịp thời, tránh xảy ra những trường hợp như vừa qua, có năm giá tăng tới vài lần và tiếp tục tạo mặt bằng giá sữa rất cao.”.

 

Tuy nhiên, ông  Nguyễn Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cũng thừa nhận, quản lý giá sữa không hề đơn giản và việc thông tư ra đời, chưa chắc giá sữa sẽ bình ổn được vì trách nhiệm quản lý giá sữa không thuộc Cục Quản lý giá mà chủ yếu là do Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố giám sát. Ngoài ra, chính vị Phó Cục Trưởng Cục Quản lý giá cũng thừa nhận, cho đến giờ việc bóc tách các khâu làm giá sữa bị “đội” lên là rất cần thiết nhưng Cục Quản lý giá  chưa làm được.

 

Như vậy có thể thấy, cho đến giờ, biện pháp mạnh để kiềm chế tăng giá sữa vẫn chưa có, người tiêu dùng cuối cùng vẫn phải cắn răng mua sữa giá cao và tiếp tục chờ đợi sự vào cuộc nhanh hơn và hiệu quả hơn  của các cơ quan chức năng.