Bạn đồng hành cùng người nghèo

14:41, 05/04/2010

Hai lần đi công tác ở huyện Đại Từ, tôi đều gặp Giám đốc Ngân hàng Chính sách- Xã hội, Phòng Giao dịch huyện (PGDNHCS - XH) -  anh Phạm Thế Khả - đi "thị sát" tại xóm, xã, trực tiếp kiểm tra khối lượng xây dựng nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 167 để giải ngân và làm luôn công việc của cán bộ tín dụng - giải quyết hồ sơ, cho vay đến tay hộ nghèo, học sinh, sinh viên.

 

Anh tâm sự: Phòng có ít người (Ban Giám đốc 2 người, 6 cán bộ tín dụng, 4 kế toán, thủ quỹ, 1 lái xe); trong khi đó Phòng quản lý, cho vay vốn đến 31 xã, thị trấn nên cán bộ, nhân viên ở đây không có khái niệm nghỉ ngơi, kể cả thứ bảy và chủ nhật. 31 xã, thị trấn thì có tới 26 điểm giao dịch, nên ngày nào Phòng cũng phải phân công cán bộ đi địa bàn để cùng các điểm giao dịch kiểm tra hoạt động của các tổ, hộ vay vốn, cho vay mới, thu nợ, thu lãi… Mặc dù "cánh tay dài" của PGDNHCS - XH chính là thông qua các tổ chức đoàn thể để thành lập tổ vay vốn đến tận các xóm để quản lý, cho vay vốn, nhưng cũng chỉ uỷ thác ở một số công đoạn, còn Ngân hàng vẫn phải "lo toan" hết không thể buông lơi được. Địa bàn rộng, con người ít, nhu cầu vay vốn của các hộ dân nhiều nên Giám đốc, nhân viên đều phải "xắn tay" vào việc khi bận rộn.

 

Được biết, Đại Từ là địa bàn có số xã, thị trấn đông nhất tỉnh, trong đó có 25 xã vùng khó khăn với 475 xóm  khó khăn và 33 xóm đặc biệt khó khăn; chủ yếu là hộ làm nông nghiệp, số hộ nghèo đông (tính đến năm 2009 có hơn 9 nghìn hộ nghèo thiếu vốn sản xuất). Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tập thể cán bộ, nhân viên PGDNHCS - XH huyện Đại Từ đã có nhiều cố gắng triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước tại địa phương thông qua các tổ chức đoàn thể.

 

Chỉ tính riêng năm 2009, thông qua 133 tổ vay vốn của Hội Nông dân đã có 4.124 hộ được vay với dư nợ 41.679 triệu đồng; 246 tổ thông qua hội phụ nữ quản lý cho vay 7.822 hộ với dư nợ 79 tỷ 958 triệu đồng; thông qua 73 tổ của hội cựu chiến binh đã có 1.786 hộ được vay vốn với dư nợ 19 tỷ 561 triệu đồng; thông qua 41 tổ vay vốn của đoàn thanh niên đã có 1.387 hộ được vay với dư nợ 13 tỷ 033 triệu đồng. Tổng dư nợ năm 2009 đạt 157 tỷ đồng (năm 2008 là 106 tỷ đồng). Nhìn chung, việc đầu tư tín dụng của PGD NHCS-XH Đại Từ đã bám sát các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) của địa phương; có trọng tâm, trọng điểm. Công tác quản lý vốn chặt chẽ; việc bình xét cho vay ở các tổ vay vốn đúng đối tượng thụ hưởng, mức cho vay phù hợp với nhu cầu vay của các hộ; các tổ vay vốn liên tục có sự kiểm tra, giám sát. Trong năm, đã có 80% số tổ vay vốn đi kiểm tra được hơn 5 nghìn hộ vay với số tiền hơn 70 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn; tỷ lệ nợ quá hạn thấp (hàng năm chỉ dừng ở mức 0,07% trên tổng dư nợ).

 

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo trên địa bàn đạt tới 90%, đến với các hộ chính sách khác đạt 51% đã thực sự đem lại lợi ích cho hộ nghèo. Thông qua các chương trình vay vốn của PGDNHCS - XH, hàng năm đã góp phần tạo việc làm mới cho nhiều lao động và hộ gia đình nông thôn có việc làm ổn định; học sinh, sinh viên yên tâm học tập ở các trường trung, đại học; người dân có điều kiện nâng cao sức khoẻ thông qua đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh (năm 2009 có 489 công trình được xây dựng). Hiện tại, với mức vay bình quân mỗi hộ 10 triệu đồng đã giúp các hộ nghèo có có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi để vươn lên, thoát nghèo, hoà nhập cuộc sống cộng đồng.

 

Hôm chúng tôi đến, anh Phạm Thế Khả cứ tha thiết mời chúng tôi đi "thực tế" ở một số hộ xem sao. Nhà đầu tiên chúng tôi đến là gia đình chị Trần Thị Thập ở xóm Trại 5, xã Bình Thuận. Chị Thập cho biết: Gia đình chị cả hai vợ chồng đều có sức khoẻ, nhưng nghèo quá không có vốn làm ăn. Trong khi đó ở trong xóm, có nhiều hộ gia đình con cái làm ăn xa, hoặc con nhỏ, sức khỏe ít, cứ đến mùa gặt là không có lao động làm công đoạn tuốt lúa. Anh, chị liền mạnh dạn vay vốn NHCS - XH 15 triệu đồng và vay thêm nguồn khác 5 triệu đồng, mua một máy tuốt lúa làm dịch vụ. Đến nay, cuộc sống gia đình chị cũng đỡ khó khăn hơn. Chị còn tạo thêm việc làm cho 2 lao động cùng làm việc mỗi khi mùa vụ đến, công việc nhiều, cần phải thay phiên nhau mới đảm bảo sức khoẻ và mới xong việc, vì mỗi vụ chỉ tập trung vào khoảng 20 ngày. Còn gia đình chị anh Hoàng Văn Phương ở xóm Bình Khang (Bình Thuận), lại có hoàn cảnh cũng hết sức khó khăn. Nhiều năm gia đình anh không "mở mày, mở mặt" được vì có con bị bệnh u não ốm đau liên miên, suốt ngày đi bệnh viện. Anh chị đã được Ngân hàng đầu tư vốn ưu đãi vay dần từ 2 triệu đến 7 triệu đồng để nuôi vịt. Do chịu khó, lại "nuôi tận gốc, bán tận ngọn" - có nghĩa là nuôi vịt và trực tiếp giết mổ, giao bán cho các quán ăn -  nên có lãi cao hơn. Vì thế đến nay, gia đình anh đã ổn định kinh tế, xây được nhà cửa khang trang và được công nhận thoát nghèo vào cuối năm 2009…

 

Mỗi hộ nghèo đều có hoàn cảnh riêng, Ngân hàng đã hướng dẫn, tư vấn cho họ tuỳ vào điều kiện, khả năng, sức khoẻ của gia đình mình để vay vốn và đầu tư vào những công việc phù hợp, nên không mấy khi bị thất bại, làm đến đâu "chắc ăn" đến đó. Cũng có nhiều mô hình bứt phá làm ăn khá như: cho vay chương trình giải quyết việc làm để sản xuất đồ mộc, sản xuất nấm ở các xã, xã Bình Thuận, Hùng Sơn; chăn nuôi lợn nái ngoại ở Đức Lương, Hùng Sơn, Na Mao; chuyển đổi mô hình từ sản xuất lúa sang cây màu cho hiệu quả kinh tế trên 50 triệu đồng/ha ở các xã Hùng Sơn, Bản Ngoại… Vì thế, đồng vốn của NHCS - XH được ví như "người bạn đồng hành" không những hỗ trợ từng hộ nghèo vượt khó, mà còn góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế của huyện, đảm bảo an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo ở địa phương (từ năm 2006 đến năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3,19%/năm; năm 2009 giảm 4,67% so với năm 2008). 

 

Tuy nhiên, qua trao đổi với đồng chí Giám đốc, chúng tôi được biết, khó khăn lớn nhất của PGDNHCS-XH huyện là nhu cầu của dân thì lớn mà vốn lại không có để cho vay. Năm 2010, Phòng xây dựng kế hoạch dự kiến vốn tín dụng là 212 tỷ đồng để thực hiện 9 chương trình tín dụng của Ngân hàng được giao. Trong đó, dự kiến nguồn vốn để cho vay từ nguồn T.W chuyển về là 208,48 tỷ đồng, nguồn vốn địa phương chuyển sang là 0,52 tỷ đồng; nguồn huy động tiết kiệm là 1 tỷ đồng.  Nhưng đến nay đã hết quý I-2010, Phòng chưa nhận được đồng nào từ các nguồn trên để đáp ứng nhu cầu vay của dân. Từ đầu năm đến nay, Phòng đã và đang tích cực thu nợ đến hạn, nợ quá hạn, huy động tiết kiệm để giải ngân cho một số nhu cầu chủ yếu như :đáp ứng vốn cho xây nhà ở họ nghèo theo Quyết định 167; hỗ trợ học sinh, sinh viên và hộ nghèo với số tiền 6 tỷ đồng. Vì vậy, huyện Đại Từ nên tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn cho PGDNHCS-XH huyện thông qua việc tăng thu, giảm chi ngân sách địa phương khoảng 700 triệu đồng để có thêm  nguồn vốn cho các hộ nghèo vay, nhằm góp phần giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT - XH ở địa phương.