Các giải pháp nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5%

07:43, 27/04/2010

Bộ Tài chính vừa có quyết định về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.

Theo đó, trong nhóm giải pháp tập trung kiềm chế lạm phát, Bộ Tài chính cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý điều hành giá theo đúng Pháp lệnh Giá, kiểm tra giám sát để mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành đúng các quy định về đăng ký giá, kê khai, niêm yết và bán theo giá niêm yết.

 

Bên cạnh đó tiếp tục duy trì ổn định giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá than bán cho sản xuất điện đến hết năm 2010; kiểm soát chi phí kinh doanh, giá thành các loại sản phẩm thuộc diện bình ổn giá theo quy định, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, điện, than, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc chữa bệnh, đường, sữa, lương thực, thép, xi măng…; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá đối với các mặt hàng nguyên vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng thiết yếu, trước hết là việc thực hiện các quy định về quản lý giá của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát cơ chế kiểm soát giá xăng dầu để bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc thị trường, rà soát lại chi phí kinh doanh, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế, phí và Quỹ bình ổn giá xăng dầu không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.

 

Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán, tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí đối với hàng hoá xuất khẩu. Sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, lệ phí và các biện pháp thích hợp đối với hàng xuất, nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, trước hết là đối với những mặt hàng trong nước sản xuất được hoặc không khuyến khích nhập khẩu để hạn chế nhập siêu.