“Cây văn nghệ” làm kinh tế giỏi

10:07, 26/04/2010

Đó là chị Vi Thị Bích Liên, dân tộc Nùng, xóm Làng Lai, xã La Hiên, Võ Nhai. Chị là “cây văn nghệ” của huyện đã giành được nhiều giải thưởng như giải A, giải Bạc hát đơn ca trong các liên hoan nghệ thuật quần chúng của tỉnh, đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc toàn quốc trong phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

 

Là cán bộ văn phòng xã La Hiên, nhưng chị cũng là người phụ nữ đầu tiên của xã thực hiện mô hình nuôi gà hậu bị đẻ trứng cho thu nhập cao…

 

Gặp chị, tôi thấy chị trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 38 của mình. Là cán bộ văn phòng UBND xã La Hiên đã được gần 10 năm, chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và liên tục được nhận Giấy khen của Đảng ủy, HĐND, UBND xã. Mới đây, Chị được tín nhiệm bầu Bí thư Chi bộ Văn phòng khối cơ quan xã.  Được biết, chị đã tham gia hát đơn ca ở các liên hoan văn nghệ quần chúng của huyện, tỉnh và giành thành tích cao. Với lòng nhiệt tình và trách nhiệm, chị đã tập hợp các đoàn viên thanh niên trong xã, lựa chọn hạt nhân văn nghệ từ các phong trào xã tổ chức thành một đội văn nghệ do chị làm đội trưởng. Đội văn nghệ xung kích của xã có khoảng 20 thành viên đều trẻ, khỏe, nhiệt tình tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ. Tất cả các tiết mục múa, hát chị Liên đều tự dàn dựng bằng năng khiếu và kinh nghiệm của mình… Nhờ vậy, phong trào văn hóa văn nghệ của xã trong những năm gần đây đã được đẩy mạnh.

 

Không chỉ là “cây văn nghệ” chị còn là người phụ nữ năng động, quyết đoán trong làm kinh tế gia đình. Tuy bận rộn công việc ở cơ quan nhưng chị vẫn cùng chồng nuôi lợn thịt với quy mô 50-70 con/lứa từ năm 2007, kết hợp làm 9 sào ruộng và 5 sào hoa màu. Chị đã đi tham quan, học hỏi các mô hình làm kinh tế giỏi ở các địa phương khác và đến đầu năm 2009, chị bàn với chồng quyết định xây dựng mô hình trang trại nuôi gà hậu bị đẻ trứng. Cùng với 100 triệu đồng vay từ nguồn vốn “Hỗ trợ giải quyết việc làm” thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ, anh chị xây trang trại rộng 600m2, nuôi 4.000 con gà. Tất cả số tiền xây dựng trang trại và mua sắm các thiết bị như máng ăn, uống tự động, kho đựng cám, lướt bạt để che trên 200 triệu đồng. Nguồn giống và thức ăn chăn nuôi chị lấy từ Công ty Cổ Phần CP Việt Nam có chi nhánh tại Thái Nguyên. Ban đầu chị được hỗ trợ 80% giá trị con giống, được các kỹ sư của công ty về tận gia đình cấp phát tài liệu và hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc đàn gà cho đúng kỹ thuật, cách tiêm văcxin phòng bệnh cho gà theo từng giai đoạn. Đến nay, gia đình chị đã xuất lứa gà đầu tiên, trừ chi phí cũng thu lãi trên 30 triệu đồng. Hiện chị đang tiếp tục chăn lứa thứ hai cũng với quy mô 4.000 con, đàn gà đang được 3 tuần tuổi. Thời gian tới, chị dự định xây dựng thêm một khu trang trại để tận dụng quỹ đất vốn có của gia đình. Không chỉ làm kinh tế cho gia đình, chị Liên đã động viên giúp chị Bùi Thị Hường, xóm Hiên Bình làm trang trại nuôi gà như gia đình chị.

 

Chị Liên tâm sự: “Chăn nuôi gia súc gia cầm vốn đã có từ lâu ở xã, nhưng nuôi gà hậu bị đẻ trứng thì đây là mô hình đầu tiên ở địa phương. Hy vọng người dân ở đây thấy hiệu quả từ mô hình này sẽ đầu tư trang trại chăn nuôi, không chỉ xoá đói, giảm nghèo mà còn làm giàu cho quê hương”.