Hạ mặt bằng lãi suất cho vay?

07:36, 09/04/2010

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hạ mặt bằng lãi suất cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp. Đây có thể xem là tin mừng cho cả giới doanh nghiệp và ngân hàng, vốn đều “chịu khổ” vài tháng qua do mặt bằng lãi suất đứng ở mức cao.

 

Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hạ mặt bằng lãi suất cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp. Khẳng định lại điều này, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết thêm, lãi suất thỏa thuận tới đây sẽ được mở rộng với cả những khoản vay ngắn hạn. Đây có thể xem là tin mừng cho cả giới doanh nghiệp và ngân hàng, vốn đều “chịu khổ” vài tháng qua do mặt bằng lãi suất đứng ở mức cao.

 

Lãi suất cao, tín dụng bị “thắt”

 

Một trong những minh chứng rõ nhất của sự không gặp nhau giữa ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) là dư nợ tín dụng của hệ thống NH trong tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2010 đang ở mức thấp. Theo NHNN, tín dụng quý I tăng trưởng 3,34% so với cuối năm 2009, huy động vốn tính đến cuối tháng 3 tăng 3,8%. Dù đã tăng dần trong các tháng (tháng 1 tăng 0,16%, tháng 2 tăng 1,14%) song nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 25% thì đây vẫn là mức tăng rất thấp, khó đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.

 

Còn theo ước tính của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tăng trưởng dư nợ tín dụng quý I đạt 2,95%, thấp hơn cả mức NHNN đưa ra. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND tháng 3 ước tăng 0,91% so với tháng trước và tăng 0,57% so với tháng 12/2009. Đáng nói là dư nợ tín dụng ngoại tệ lại tăng khá cao, ước tăng 3,98% so với tháng trước và tăng 14,07% so với tháng 12/2009.

 

Mức tăng trưởng tín dụng thấp này là hệ lụy khó tránh khỏi của bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay tại các NHTM ở mức cao khiến DN khó với tới. Theo thống kê, lãi suất cho vay ngắn hạn hiện ở mức 12%, lãi suất cho vay trung và dài hạn thực hiện theo cơ chế thỏa thuận khoảng 14% - 15%/năm với nhóm NHTM Nhà nước, và khoảng 15% - 17% với nhóm NHTM cổ phần. Thậm chí có NH quy mô nhỏ lãi suất cho vay lên tới 18% - 20%.

 

Đây là lý do nhiều DN xuất khẩu lựa chọn vay USD (mức lãi suất hấp dẫn so với VND, chỉ 4% và 6%), rủi ro tỷ giá không quá lớn do lời hứa giữ tỷ giá từ phía NHNN.

 

Áp lãi suất thỏa thuận với cho vay ngắn hạn

 

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp kiềm chế lạm phát, trong đó thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận ở các NHTM nhằm lưu thông vốn cho cả NH và DN. Vấn đề ở chỗ, mở lãi suất thỏa thuận với cho vay trung và dài hạn lại khiến lãi suất cho vay trung bình tăng cao so với khả năng của DN. Nhiều ý kiến cho rằng, điều này cho thấy chính sách cho vay lãi suất thỏa thuận chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo hạ mặt bằng lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và bơm vốn cho nền kinh tế.

 

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến, NHNN đang tích cực đưa vốn vào nền kinh tế thông qua hệ thống NH với chủ trương tương đối dài hơi như tích cực hỗ trợ thanh khoản đối với NHTM với kỳ hạn dài hơn, khối lượng lớn hơn so với trước đây, hỗ trợ thông qua tái cấp vốn và hoán đổi ngoại tệ. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các NHTM Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung ứng vốn và điều chỉnh lãi suất giảm dần phù hợp diễn biến nền kinh tế. Theo đó, lãi suất thỏa thuận tới đây sẽ được mở rộng với cả những khoản vay ngắn hạn. Như vậy, mọi khoản vay của NH đều sẽ được áp dụng theo lãi suất thỏa thuận, theo quy luật cạnh tranh, cung cầu của thị trường. Các chuyên gia cho rằng, NH sẽ dễ dàng cân đối lại cơ cấu nguồn vốn vay của mình, cũng như mặt bằng lãi suất hợp lý hơn cho các DN.

 

Trên thực tế, lãi suất liên ngân hàng trong thời gian gần đây cũng đã có tín hiệu giảm xuống phần nào cho thấy xu hướng ổn định của mặt bằng lãi suất. Nếu NHNN có cơ chế quản lý tốt, thực hiện đúng như những gì đã cam kết thì chắc chắn lãi suất VND tại các NH sẽ giảm dần. Thêm vào đó, với việc lãi suất đã được điều hành theo cơ chế thị trường, nếu các DN không chấp nhận vay với mức lãi suất như hiện nay, theo dự đoán các NH sẽ phải giảm lãi suất trong thời gian tới do chính bản thân NH cũng phải cạnh tranh với nhau hết sức quyết liệt.