Hiệu quả từ một trang trại

11:00, 12/04/2010

Đó là trang trại của anh Hoàng Văn Ninh, sinh năm 1970, dân tộc Sán Chí, ở xóm Khuân U, xã Na Mao (Đại Từ).

Là một nông dân nghèo, anh luôn nung nấu biến 5.000m² đồi rừng, gần 1ha lúa, màu thành công cụ để làm giàu. Trước đây, anh đã trồng thử nhiều loại cây, con giống nhưng do chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế gia đình chỉ đủ ăn. Sau nhiều năm vừa làm nông nghiệp vừa tham gia làm công tác Đoàn, cùng trăn trở thoát nghèo với rất nhiều thanh niên trong xã, năm 2004, với tư cách là Bí thư Đoàn TNCS xã, anh Ninh đã mạnh dạn tổ chức cho 40 đoàn viên thanh niên và các hộ gia đình trẻ đi tham quan học tập các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện. sau chuyến đi, anh Ninh cùng 4 đoàn viên khác bắt tay vào lập kế hoạch vay vốn và xây dựng trang trại của gia đình.

 

Năm 2005, với  số tiền vay 35 triệu đồng của các Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Chính sách - Xã hội huyện, anh đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn với quy mô 40 lợn nái và trung bình có 250- 300 đầu lợn thịt. Bên cạnh đó, anh còn đi tìm hiểu nhiều nơi, nhập thêm nhiều giống mới nước ngoài về nuôi thử như lợn Pê ru, lợn Ấn Độ... lai tao và nuôi thành công tại trang trại. Giá của các loại lợn này cao hơn với lợn thường từ 8-10 nghìn đồng/kg.

 

Song song với việc phát triển chăn nuôi, gia đình anh còn trồng hơn 1ha rừng keo, hơn 1.000m² chè, đào ao thả cá hơn 700m², hơn 3 sào lúa kết hợp với nuôi gà, thả vịt. Tận dụng chất thải từ chăn nuôi, anh sử dụng nguồn phân hữu cơ vào chăm bón cây trồng và giảm được 90% lượng phân đạm, 50% lượng Kaly. Đồng thời, anh đã học hỏi và tiếp thu công nghệ xây dựng hầm Biogas để đun nấu, thắp sáng và phát điện; góp phần không nhỏ vào giải phóng sức lao động và cải thiện vệ sinh môi trường. Năm 2008 thu nhập của gia đình anh đạt 150 triệu đồng, năm 2009 doanh thu ước đạt 1,4 tỷ và tổng thu nhập đạt trên 200 triệu đồng. Với quy mô trang trại ngày càng mở rộng, gia đình anh tạo việc làm ổn định cho 2 lao động chính và hàng chục lao động thời  vụ, không kể thuê các lao động làm công tác xây dựng như: Thợ sắt, mộc, nề...với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng

 

Nhờ những thành quả về kinh tế, giờ đây anh Ninh được biết đến như một điển hình trong xã, trong huyện về việc phá thế độc canh, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại. Với những nỗ lực không ngừng, năm 2006 anh được Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tặng Giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi”, năm 2009, anh là đại diện các dân tộc thiểu số xã Na Mao đi dự và báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Đại Từ lần thứ nhất và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trao tặng Giấy khen “Đã có công với sự nghiệp xây dựng và phát triển đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam cùng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”.