Ngoài việc Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để gián tiếp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ trực tiếp cho hội viên như: Tín chấp để hội viên vay vốn ưu đãi, mua phân bón trả chậm; tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ mua cây, con giống mới; đào tạo nghề…
Sau 10 năm triển khai Đề án số 460 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho trên 40 nghìn lượt hội viên vay 385 tỷ đồng phát triển sản xuất. Cùng với đó, các cấp Hội đã huy động nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các tổ chức trong, ngoài nước… cho các hội viên nghèo vay vốn. Công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng đã được các cấp Hội phối hợp với ngành Nông nghiệp và PTNT, các hội, đoàn thể chính trị khác tổ chức được 21,5 nghìn lớp tập huấn, 541 cuộc hội thảo đầu bờ, 687 buổi tham quan học tập kinh nghiệm và gần 200 mô hình trình diễn để trang bị kiến thức về nhiều lĩnh vực cho gần 1 triệu lượt hội viên nông dân.
Đặc biệt là trong năm 2009 và quý I-2010, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các công ty chuyên sản xuất phân bón, máy, vật tư nông nghiệp, các ngân hàng để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất khi nông dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay vốn mua vật tư, máy, thiết bị chuyên dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ những việc làm trên, hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã được tiếp sức để đầu tư mở rộng sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, trồng trọt, chế biên nông sản nên nhiều gia đình hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh đã không chỉ thoát nghèo mà kinh tế trở nên khá, có điều kiện giúp đỡ lại các gia đình hội viên khác.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Để hội viên gắn bó với tổ chức Hội, ngoài việc tăng cường giáo dục về chính trị, tư tưởng để nông dân nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của mình trong xã hội nên các cấp Hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho hội viên. Nhận được sự hỗ trợ, hội viên nông dân đã có điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống và qua đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra.
Phải khẳng định rằng việc hỗ trợ trực tiếp cho nông dân trên các lĩnh vực đã đem lại những lợi ích thiết thực: tỷ lệ gia đình hội viên nông dân nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 28% (năm 2000) xuống còn trên 15% (năm 2009) và năm nay các cấp Hội phấn đấu sẽ giúp khoảng 4 nghìn gia đình hội viên trong tỉnh thoát nghèo. Mức thu nhập của hội viên nông dân cũng đã tăng từ 295 nghìn đồng/người/tháng (2000) lên trên 1 triệu đồng/người/tháng (2009). Thu nhập tăng nên hầu hết các gia đình nông dân trong tỉnh đã có đóng góp về kinh phí, ngày công để xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn, nhà văn hoá cơ sở và các công trình phúc lợi công cộng khác để từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn trong tỉnh.