Hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế

10:53, 23/04/2010

Trong những năm qua, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở huyện vùng cao Võ Nhai đã năng động tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Cùng với sự mạnh dạn, tự thân vận động của mỗi người, tổ chức Đoàn luôn đồng hành cùng các ĐVTN thực hiện những mô hình mới, qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.

 

Thăm mô hình phát triển kinh tế gia đình của anh Dương Quý Mạnh, khu Đồng Lạn, xóm Ba Nhất, xã Lâu Thượng (Võ Nhai) mới thấy được sự năng động, mạnh dạn của người thanh niên 25 tuổi này. Anh Mạnh thấy đất nơi mình sinh sống rộng rãi, còn nhiều vùng cây tạp vẫn phát triển tự nhiên nên đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng rừng. Lúc đầu vợ anh lo vay số tiền lớn như vậy rồi lấy đâu ra trả lãi và gốc, nhưng anh bảo mình có sức khoẻ và chịu khó làm lụng thì không có việc gì khó cả. Vậy là anh ra trung tâm huyện mua cây giống và thuê xe ô tô chở về để trồng. Lúc đó đường ô tô chưa vào được tận nơi nên anh đã chở dần bằng chiếc xe máy Trung Quốc mà hai vợ chồng dành dụm mua được làm phương tiện đi lại. Đến nay, hơn 3ha keo lai của gia đình anh đã lên xanh tốt. Anh đã bàn với vợ mua thêm hơn 4 nghìn hom mỡ giống để trồng tiếp. Ngoài ra, gia đình còn trồng 3-4 sào lúa, 5 sào ngô lấy lương thực phục vụ gia đình và chăn nuôi thêm vài chục con gà để cải thiện. Được biết, năm 2009, anh Mạnh đã vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng và hiện nay là Bí thư Chi đoàn, Phó xóm phụ trách khu Đồng Lạn với 50 hộ dân tộc Dao, Nùng. Anh cho biết: Khu Đồng Lạn là một nửa của xóm Ba Nhất hiện nay còn 25 hộ nghèo. Cuộc sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn nên hầu hết thanh niên trong xóm đi làm ăn xa. Hiện nay, Chi đoàn chỉ còn 7 đoàn viên tham gia sinh hoạt. Các ĐVTN được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi của tổ chức Đoàn và được vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách nếu thuộc diện hộ nghèo. Còn là đảng viên, không thuộc diện hộ nghèo như anh Mạnh thì không được vay vốn ưu đãi nhưng anh đã được tham gia nhiều lớp tập huấn, gần đây nhất vào dịp tháng 3-2010 anh được tập huấn quản lý vốn do Trung ương Đoàn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức.

 

Còn với đoàn viên Dương Văn Hưng, Chi đoàn Đồng Dong, xã La Hiên cũng lựa chọn cho mình hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình. Đầu năm 2009, anh đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng trong 36 tháng để mua cây giống keo lai và vài con lợn con. Anh Hưng nói: Ban đầu mình làm nhỏ thôi để còn rút kinh nghiệm, nếu thấy hiệu quả sẽ vay thêm vốn để phát triển. Thanh niên suy nghĩ còn nông cạn nên dễ va vấp và thất bại trong đầu tư phát triển kinh tế, vì thế chi đoàn rất quan tâm để các ĐVTN được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng quản lý vốn và sử dụng đồng vốn hiệu quả. Ngoài ra, bản thân mỗi ĐVTN cũng có tý thức tự trang bị kiến thức cho mình qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo và mạng Internet… Hiện nay, chi đoàn có 7 ĐVTN được vay tổng số tiền 128 triệu đồng để trồng rừng và phát triển chăn nuôi. Các ĐVTN được vay vốn sử dụng đúng mục đích và đang phát huy hiệu quả mặc dù nguồn vốn vay còn rất ít (mỗi người chỉ được từ 10-15 triệu đồng) nên việc đầu tư cũng bị hạn chế.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Bùi Thị Sen, Bí thư Huyện đoàn Võ Nhai cho biết: Thực hiện chủ đề công tác năm 2009 của tổ chức Đoàn là “Thanh niên với nghề nghiệp và việc làm”, Huyện đoàn đã chủ động phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện mở được 9 lớp dạy nghề ngắn hạn vào thứ Bảy và Chủ nhật cho ĐVTN với các nghề: tin học, sửa chữa máy nông cụ… Phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho ĐVTN tại cơ sở. Tính đến 31/12/2009, dư nợ của thanh niên với Ngân hàng Chính sách - Xã hội là trên 24 tỷ đồng, được quản lý ở 95 tổ vay vốn. Các tổ trưởng vay vốn thường xuyên được tập huấn nghiệp vụ vay vốn, sử dụng vốn vay, quản lý nguồn vốn, kinh nghiệm nâng cao chất lượng quản lý của các tổ tiết kiệm… Hiện nay, cây chè đang phát triển ở hầu hết các xã, thị trấn và là cây trồng mang lại thu nhập khá cho bà con nông dân, vì thế việc bổ sung kiến thức và hỗ trợ vốn để các ĐVTN phát triển cây trồng thế mạnh này được tổ chức Đoàn quan tâm. Trung ương Đoàn đang triển khai thực hiện mô hình trồng chè xanh ở xã Tràng Xá và Liên Minh (mỗi xã có 8 ĐVTN tham gia) và đã hỗ trợ 16 máy sao vò chè với tổng trị giá trên 100 triệu đồng để các ĐVTN có điều kiện mở rộng diện tích, cải tạo và trồng chè giống mới cũng như nâng cao năng lực chế biến sản phẩm. Trung ương Đoàn còn tổ chức hàng chục lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, các biện pháp xử lý môi trường.... Ngoài ra, đối với mỗi cơ sở Đoàn đều có kế hoạch phối hợp với các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… để tổ chức các lớp tập huấn theo nhu cầu nâng cao kiến thức của ĐVTN. Tuy các hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế chưa tổ chức được nhiều nhưng đây chính là động lực để ĐVTN mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình và cũng là môi trường để các ĐVTN phấn đấu và tự khẳng định mình.