Vừa bước qua tuổi 30, nhưng những thành quả trong phát triển kinh tế gia đình của anh Dương Văn Sang, xóm Thẩm Quản, xã Trung Lương (Định Hóa) thật đáng nể. Nhờ có vốn kiến thức và lòng ham mê lao động, anh đã xây dựng được mô hình trang trại kết hợp vườn ươm cây giống và chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Tốt nghiệp Khoa Trồng trọt, Đại học Nông - lâm Thái Nguyên năm 2001, không trở thành một công chức như bao người khác, anh Dương Văn Sang quyết định trở về quê hương, sử dụng kiến thức đã học để phát triển kinh tế gia đình. Anh tâm sự: “Mình chỉ suy nghĩ đơn giản rằng lao động ở đâu cũng là cống hiến, miễn là làm giàu chính đáng cho quê hương”. Với gần 4.000m2 đất vườn, nhận thấy nhu cầu về giống cây trồng của địa phương lớn, anh quyết định mở vườn ươm cây giống.
Anh cho biết: Khó khăn lớn nhất với anh khi bắt bắt đầu khởi nghiệp là thiếu nguồn vốn và "uy tín vì trước đó ở địa phương đã có một số cơ sở phát triển vườn ươm. Để khắc phục điều này, anh mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện, kết hợp với nguồn vốn của gia đình xây dựng vườn ươm keo giống quy mô 2 vạn cây/lứa. Những kiến thức khi còn trên ghế nhà trường được anh áp dụng bài bản trong các khâu như: trộn đất, lựa chọn thời vụ, chăm sóc và trừ bệnh… Không những vậy, anh thường xuyên tìm hiểu và bổ sung kiến thức trên sách, báo, truyền hình và mạng Internet. Do vậy, chất lượng cây giống của anh luôn đảm bảo và dần chiếm được sự tin tưởng của khách hàng địa phương.
Năm 2006, anh bắt đầu chuyển sang ươm thử nghiệm các giống chè mới, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia và nghiên cứu thị trường, anh quyết định lựa chọn các giống cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương như: LDP1, PH1, TRI777… với quy mô khoảng 60 vạn hom /năm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Đến nay, anh đang duy trì quy mô vườn ươm với khoảng 40 vạn cây keo và mỡ giống mỗi năm, tiêu thụ trên địa bàn Định Hóa và tỉnh Bắc Kạn. Với giá bán trung bình từ 350 đến 400 đồng/ cây, trừ chi phí hàng năm anh thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Hiện anh còn triết ghép và ươm thử nghiệm một số cây ăn quả đặc sản như: bưởi, cam, chanh…
Kết hợp phát triển vườm ươm cây giống, từ năm 2006, anh Sang bắt đầu chăn nuôi vịt sinh sản. Anh cho biết: Ưu điểm của nuôi vịt sinh sản là khả năng quay vòng vốn nhanh và ít dịch bệnh so với các loại vật nuôi khác. Để đảm bảo thành công, hệ thống chuồng được anh xây dựng đồng bộ và khoa học, toàn bộ quy trình chăn nuôi theo hình thức công nghiệp. Thời kỳ cao điểm, số lượng đàn vịt của gia đình anh lên tới gần 1.000 con cho thu từ 700 đến 800 quả trứng mỗi ngày. Đến nay, tuy số lượng đàn vịt đã giảm xuống còn gần 400 con nhưng nguồn thu kết hợp chăn nuôi vịt đẻ và gà thả vườn của anh vẫn cho lãi khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Phát triển kinh tế, anh đã tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên ở địa phương với thu nhập từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Sang còn là một cán bộ đoàn nhiệt tình và năng động, anh sắp vinh dự được đứng trong hàng ngủ của Đảng.