Gia đình anh Phạm Mạnh Hùng là một hộ gia đình có mô hình chăn nuôi lợn thịt kết hợp làm cơ khí, có hiệu quả kinh tế khá ở xóm Trại, xã Nam Tiến (Phổ Yên).
Anh Hùng sinh năm 1976. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Công nghiệp, Khoa Cơ khí, anh đi làm tại Công ty TNHH MENIFA, thuộc Khu công nghiệp Sông Công, chuyên sản xuất các dụng cụ y tế và công cụ phục vụ cho chăn nuôi. Năm 2006, anh xây dựng gia đình. Với suy nghĩ, đồng lương công nhân từ 2-3 triệu đồng/tháng, chỉ đủ ăn chứ không thể làm giàu, anh đã quyết định phải đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, anh chăn nuôi lợn thịt để tận dụng nguồn đất rộng của nhà. Anh đã dồn góp số tiền tích lũy được và vay mượn anh em họ hàng được trên 150 triệu đồng, cùng với số tiền 30 triệu đồng vay của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện, mua con giống và xây dựng chuồng trại rộng gần 300m2, chia làm các ô ngăn có máng ăn, uống tự động.
Khi mua một chiếc máng ăn tự động trên thị xã Sông Công với giá 400 nghìn đồng, về nhà anh đã tháo các chi tiết ra xem xét kỹ lưỡng. Trong đầu anh lúc đó đã nghĩ: “Chiếc máng đơn giản thế này, mình cũng có thể làm được”. Vốn sẵn có tay nghề và kinh nghiệm trong ngành cơ khí, anh đã mua tôn, sắt, máy hàn, máy cắt về làm 10 chiếc máng ăn phục vụ cho chăn nuôi của chính gia đình. Mỗi chiếc máng ăn tự làm, anh tiết kiệm được từ 60-80 nghìn đồng so với giá thị trường. Những người chăn nuôi trang trại ở địa phương đến thăm quan, thấy sản phẩm anh làm ưng ý nên đã đặt hàng. Khi ấy, ý tưởng làm máng ăn tự động theo hình thức kinh doanh đã lóe lên trong đầu anh. Đầu năm 2009, nơi anh làm việc bị cắt giảm lương xuống còn 30% so với trước đây, anh đã quyết định nghỉ hẳn việc và về tập trung làm kinh tế ở gia đình. Anh đã học tập kinh nghiệm từ sản phẩm có tên là CP của Thái Lan ở một số hộ chăn nuôi trang trại tận Hà Tây hay ở các hộ chăn nuôi trang trại lớn ở xã Minh Đức (Phổ Yên)… Sau khi tham quan, anh mượn những mẫu vẽ thiết kế của họ về xem xét, nghiên cứu thật kỹ và bắt tay vào làm. Không chỉ làm theo mẫu có sẵn, anh còn sáng tạo trong quá trình làm máng ăn tự động và khung chuồng cho lợn đẻ. Nếu như máng ăn tự động có bán trên thị trường thiết kế theo hình thức hãm cám trên, tức là người chăn nuôi chỉ cần vặn ốc xoáy bên trên sẽ điều chỉnh được lượng cám. Tuy nhiên, bản thân gia đình anh dùng một thời gian thấy dùng hãm cám trên thì đòn bẩy bên dưới không được bền do thường xuyên bị cọ xát, dẫn tới han gỉ và dơ, cám dễ bị kẹt. Anh đã nghĩ ra cách điều chỉnh lượng cám ở bên dưới. Sau nhiều ngày dày công tỉ mỉ nghiên cứu, hỳ hục vẽ mẫu rồi thử nghiệm nhiều lượt, anh đã thiết kế xong phần chốt bên dưới hình chữ U, có đai ốc chốt cám cố định. Với sản phẩm của anh, người chăn nuôi chỉ phải điều chỉnh một lần lượng cám cố định, do vậy độ bền hơn hẳn hình thức hãm cám sử dụng ốc vặn bên trên. Với cách làm này, anh đã được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn đặt hàng.
Chúng tôi được biết thêm, trước đây mới mở xưởng cơ khí kinh doanh, anh còn làm chuồng bằng khung sắt cho lợn đẻ. Anh mua rất nhiều sắt, thép về làm theo đúng thiết kế. Sau khi làm xong, anh tính toán và thấy hết 250 kg sắt thép, với giá cả thị trường 17 nghìn đồng/kg, anh phải bán mức giá 5 triệu đồng thì mới có lãi. Tuy nhiên, mức giá quá cao nên sản phẩm anh làm ra đã không được người chăn nuôi lựa chọn. Sau nhiều ngày trăn trở suy nghĩ làm sao để làm ra sản phẩm với giá cả phải chăng phù hợp với nhu cầu của số đông hộ chăn nuôi, cuối cùng anh đã thiết kế cũi đẻ, diện tích vẫn là 4m2, tuy nhiên anh tính toán để làm xong một sản phẩm chỉ mất 80kg sắt thép, bán ra với giá từ 1,3-1,4 triệu đồng/chiếc. Nếu như trước đây, toàn bộ phần bao quanh chuồng đẻ cũng như sàn đẻ đều làm bằng sắt thì bây giờ anh tư vấn cho người chăn nuôi xây tường gạch xung quanh, nền đổ bê tông để tiết kiệm chi phí. Trong cũi, anh hàn luôn máng ăn tự động và vòi uống nước vào cũi để người chăn nuôi không phải xây gắn vào tường bao xung quanh. Thấy máng ăn cố định, sau khi chăn lợn đẻ khâu vệ sinh cũi rất khó, đồng thời không đảm bảo vệ sinh nên anh đã nghĩ cách làm máng lật. Thay vì máng ăn gắn cố định vào cũi sắt, anh thiết kế ốc vít để máng có thể lật ra ngoài, như vậy sau khi chăn cám xong, người chăn nuôi có thể đẩy hẳn máng ra bên ngoài, tiện lợi trong việc vệ sinh máng ăn sạch sẽ, tạo độ rộng trong chuồng.
Ban đầu những sản phẩm của anh làm ra chỉ cung cấp cho người chăn nuôi trang trại trong địa phương, dần dần do chất lượng sản phẩm tốt, giá thành lại rẻ hơn so sản phẩm cùng loại của CP nhập từ miền Nam về bán trên thị trường từ 100- 450 nghìn đồng/sản phẩm nên anh đã được nhiều người ở các địa phương như Đại Từ, Phú Lương, T.P Thái Nguyên… đến tận nhà đặt hàng với số lượng lớn. Tính riêng năm 2009, anh đã bán được trên dưới 600 chiếc máng ăn tự động và gần 20 chiếc cũi cho lợn nái, thu lãi gần 70 triệu đồng. Kết hợp chăn nuôi lợn thịt và bán thức ăn chăn nuôi gia súc, một năm anh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Không chỉ thu nhập khá cho gia đình, xưởng cơ khí của anh còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động địa phương với mức thu nhập 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Với sự cần cù, chịu khó, sự ham học hỏi tìm tòi, nghiên cứu, anh Phạm Mạnh Hùng đã tạo dựng cho mình một mô hình làm kinh tế mới, hiệu quả. Anh là một điển hình thanh niên tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.