Mô hình kinh tế giỏi ở Ao Sơn

09:29, 06/04/2010

Gia đình anh Dương Xuân Dũng là một trong những hộ dân đi đầu trong phát triển kinh tế của xóm Ao Sơn, xã Minh Lập (Đồng Hỷ).

 

Nói về những ngày đầu lập nghiệp, anh cho biết: Năm 1986, tôi lập gia đình, một năm sau đó được bố mẹ chia 3.000m2 đất, vợ chồng tôi ra ở riêng. Lúc đó cuộc sống khó khăn, vợ chồng phải tự lo toan đủ mọi thứ. Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định đầu tư vào cây chè để có tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

 

Cùng diện tích chè đã có sẵn (khoảng vài trăm m2) của bố mẹ chia cho, anh chị tiếp tục trồng và mua thêm nên đến nay đã có 5.000m2 chè, trong đó có 1.000m2 chè cành giống TRI 777 hiện đã cho thu hoạch. Chè cành có giá bán cao gấp đôi chè trung du. Những ngày giáp Tết chè cành có thể bán với giá 150.000đồng/kg còn ngày thường bán với giá 110.000đồng/kg. Tâm sự với chúng tôi anh cho hay: Ban đầu ra ở riêng, dù rất thiếu vốn nhưng tôi vẫn đầu tư gần 4 triệu đồng mua tôn quay, máy sao chè… phục vụ chế biến chè. Để có sản phẩm chè ngon, tôi đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và tự rút kinh nghiệm sau mỗi mẻ chè. Để có được sản phẩm chè chất lượng, tôi chọn giống chè có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương… Khi trồng chè thì thực hiện theo đúng kỹ thuật như hố trồng chè đào sâu 20-25cm, rộng 20cm, trước khi trồng thì bón phân lót rồi mới lấp đất… Khi chế biến chè thì để lửa không to quá, hay nhỏ quá, đảo đều tay…

 

Vài năm trở lại đây, giá phân bón tăng, đầu vào cho cây chè rất cao nên cùng với đầu tư cho cây chè, gia đình anh chọn chăn nuôi lợn, mỗi năm khoảng 70 con để tận dụng nhằm giảm chi phí. Gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hơn 4 triệu xây hầm biogas để lấy chất đốt và nguồn phân bón cho chè, nhờ đó anh đã giảm được chi phí đầu vào cho cây chè. Trung bình 5 năm trở lại đây, mỗi năm anh thu hoạch 8 lứa chè, thu khoảng 25 triệu đồng (đã trừ chi phí). Ngoài ra, từ chăn nuôi lợn cũng cho vợ chồng anh thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng (đã trừ chi phí ). Cộng thêm số tiền lãi từ việc đi chợ buôn bán chè nhỏ lẻ của vợ anh, thu nhập năm 2009 của gia đình anh đạt khoảng hơn 100 triệu đồng.

 

Sau 20 năm, vợ chồng anh Dũng mới có được mô hình kinh tế phát triển như hiện nay. Trong khoảng thời gian đó, anh chị đã làm việc chăm chỉ, mạnh dạn đầu tư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Kinh tế gia đình ổn định, vợ chồng anh có điều kiện nuôi dạy 2 con khôn lớn và đều thi đỗ đại học. Hiện tại, con trai lớn của anh đang học năm thứ 4 Trường Đại học Kinh tế Thái Nguyên; con trai út đang học năm thứ nhất Khoa Công nghệ Thông tin (Đại học Thái Nguyên).

 

Gia đình anh Dũng nhiều năm liền được UBND huyện Đồng Hỷ công nhận là hộ nông dân sản xuất giỏi.