Phú Lương với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7

09:15, 06/04/2010

Phú Lương là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong tỉnh tổ chức triển khai Chỉ thị số 30 của Tỉnh uỷ chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng nông thôn mới tới cán bộ chủ chốt của các cấp, ngành trên địa bàn. Theo đồng chí Nguyễn Vi Hồng, Bí thư Huyện uỷ: Quá trình triển khai Nghị quyết không máy móc, khi vận dụng vào thực tế phải phù hợp với điều kiện của địa phương mình…  

 

Mải miết làm cỏ cho ruộng lúa của gia đình nên chị Đỗ Thị Quyên ở xóm Thanh Trà 2, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) không biết chúng tôi đang đến gần chỗ chị. Chỉ khi chúng tôi cất tiếng gọi, chị mới giật mình nhìn lên. Chị phân bua: Tôi phải tập trung làm cỏ cho xong đám ruộng này để còn chuyển sang làm ruộng bên kia. Nhà nông mà cứ ì ạch ra đấy, cỏ tốt hơn lúa thì lấy gì mà đổ vào thùng. Khi chúng tôi hỏi chị đã được tìm hiểu Nghị quyết Hội Nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa thì chị cười: Mấy lần đi họp xóm cũng thấy Bí thư, Trưởng xóm nói về Nghị quyết đó, tôi cứ hiểu nôm na là mình hãy cứ làm thật tốt công việc của người nông dân là cày sâu, cuốc bẫm, tích cực đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình mình.

 

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Phú Lương cũng là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong tỉnh tổ chức triển khai Chỉ thị số 30 của Tỉnh uỷ về chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về xây dựng nông thôn mới tới cán bộ chủ chốt của các cấp, ngành trên địa bàn. Theo đồng chí Nguyễn Vi Hồng, Bí thư Huyện uỷ: Quá trình triển khai Nghị quyết không máy móc, khi vận dụng vào thực tế phải phù hợp với điều kiện của địa phương mình.

 

Với tinh thần đó, Huyện uỷ Phú Lương đã xây dựng được Chương trình hành động rất cụ thể. Trong đó mục tiêu đặt ra là địa phương sẽ phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Xây dựng, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc đáp ứng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Các mục tiêu cụ thể được đặt ra là: Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt từ 5,5 đến 6%; duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân  hằng năm từ 7 - 8%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 50 triệu đồng; nâng độ che phủ của rừng đạt trên 50%; số hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%; thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn tăng gấp trên 2,5 lần so với hiện nay; lao động nông nghiệp còn khoảng 50% lao động toàn xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%. Cùng với đó là tạo sự chuyển biến trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo; tạo mọi điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, trước hết là hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn huyện phải chủ động tưới tiêu cho cơ bản diện tích đất cấy lúa 2 vụ và cây màu, chè; phát triển giao thông, có đường ô tô đến 100%  xóm, bản; cải tạo và nâng cấp mạng lưới điện đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hầu hết các khu dân cư ở nông thôn; ngăn chặn, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở nông thôn.

 

Nhằm thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, huyện Phú Lương sẽ xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại và hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực và tăng giá trị hàng nông sản. Trong đó sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể và các quy hoạch chuyên ngành nông nghiệp và PTNT; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tung tâm dậy nghề, các trạm, trại phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ trong nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu cây trồng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng giá trị sản xuất hàng hóa, phát triển phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn và theo vùng, miền; phát triển lâm nghiệp theo hướng trồng mới, cải tạo, làm giàu rừng… Bên cạnh đó là quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, tập trung vào xây dựng công trình thuỷ lợi đa mục tiêu; phát triển giao thông bền vững, đặc biệt ưu tiên các xã khó khăn như Yên Trạch, Yên Ninh, Hợp Thành, Phủ lý, Yên Lạc, Phú Đô; tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nông thôn…

 

Song song với đó, Phú Lương sẽ quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc bằng cách tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn nông thôn; đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu nghề và xuất khẩu lao động cho các khu vực ở nông thôn; tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu và khám chữa bệnh, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số, chăm sóc trẻ em; quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng khó khăn…

 

Cùng với những giải pháp trên, trong những năm tới, Phú Lương sẽ củng cố và phát triển các thành phần kinh tế ở nông thôn như kinh tế hợp tác xã, hộ gia đình; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường công tác khuyến nông; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thị trường; tiếp tục thực hiện các chính sách, tăng cường hỗ trợ cho nông dân để góp phần giảm nghèo. Và cuối cùng là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó đặc biệt đề cao vai trò của Hội Nông dân.

 

Mong rằng, với một Chương trình hành động cụ thể, Phú Lương sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra trong quá trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.