Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa

14:00, 26/04/2010

Chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian để đi tìm hiểu xem nông dân Thái Nguyên đang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa như thế nào? Chúng tôi đã “mục sở thị” cách sản xuất rau an toàn của người dân Linh Sơn (Đồng Hỷ); tìm hiểu cách trồng nấm của HTX Nấm Hùng Sơn (Đại Từ), cách làm chè chất lượng cao của người dân Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên)…

 

Những nơi chúng tôi đến tìm hiểu đều cho thấy người nông dân đã sản xuất theo phương thức hiện đại, được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung, có hệ thống tưới tiêu, vận tải, điện lưới thuận tiện, nhiều mặt hàng nông sản ở Thái Nguyên như chè, rau xanh, thịt lợn đã có mặt trên thị trường ngoài tỉnh, được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. 

 

Đi trên cánh đồng rau xanh bát ngát ở xóm Bến Đò, xã Linh Sơn, chúng tôi được ngắm nhìn những ruộng rau mồng tơi, rau cải, mướp đắng… xanh ngăn ngắt. Không chỉ Bến Đò mà nhiều xóm khác của Linh Sơn đã được mọi người biết đến khi các xóm này có truyền thống nhiều năm sản xuất rau màu chuyên canh. Với diện tích 30 ha trồng rau chuyên canh, trên 200 ha đất trồng rau một vụ, hằng năm, Linh Sơn cung cấp khoảng 30% tổng lượng rau cho T.P Thái Nguyên. Những năm trước, sản xuất rau của bà con chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, mang tính chất hộ gia đình, mạnh ai, nấy làm, chưa áp dụng đúng những tiến bộ kỹ thuật; sản xuất chưa mang tính hợp tác, sản phẩm chưa trở thành hàng hóa nên hiệu quả sản xuất chưa cao, chất lượng rau không đồng đều. Hai năm trở lại đây, được các cấp, ngành chức năng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất như hệ thống kênh mương tưới tiêu, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rau xanh, xây dựng các mô hình thí điểm về trồng rau an toàn, chất lượng cao… nên nhận thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, ngoài sản xuất rau an toàn tự nhiên ngoài đồng ruộng, các hộ gia đình đã biết cách sản xuất rau an toàn trái vụ bằng kỹ thuật vòm che, biết liên kết lại trong tiêu thụ sản phẩm. Điều đáng nói là bà con đã biết căn cứ vào nhu cầu thị trường để đưa các loại rau vào trồng theo mùa vụ như: cải bắp, cải làn, súp lơ xanh, su hào, cà rốt, dưa chuột, đậu cô ve, mướp đắng, rau thơm… đưa vào trồng trong vụ xuân - hè từ tháng 1 đến tháng 3; rau cải mơ, cải xanh, xà lách, đậu  đũa, cà chua, tỏi tây, cần tây… được trồng trong vụ hè - thu từ tháng 4 đến tháng 9; từ tháng 10 đến tháng 12 (vụ đông) thì trồng cải ngồng, cải bao… Ông Đỗ Văn Trung, xóm Làng Phan (Linh Sơn) cho biết: Gia đình tôi có 3 sào đất trồng rau chuyên canh. Mỗi vụ, 1 sào trồng rau cho thu nhập 3-5 triệu đồng, trong khi cấy lúa chỉ thu khoảng 1,5 triệu đồng. Gia đình chủ yếu trồng cà chua, dưa chuột, đậu cô ve. Do trồng, chăm bón, quản lý dịch hại đúng kỹ thuật nên rau của gia đình bán được với giá cao hơn các loại rau bán đại trà ngoài thị trường. Ngoài Linh Sơn, Thái Nguyên còn có các vùng trồng rau chuyên canh theo hướng hàng hóa như Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), Hùng Sơn (Đại Từ), Đồng Tiến (Phổ Yên)…

 

Cây chè - cây mũi nhọn của tỉnh, 5 năm trở lại đây đã thực sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước. Bởi thế, người làm chè Thái Nguyên đã và đang mạnh dạn chuyển đổi các diện tích chè đã già cỗi, xuống cấp sang trồng thay thế bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng; đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ cho thu hoạch, chế biến chè; đầu tư làm giàn phun tưới chè... Bà Trần Thị Nga, xóm Cây Si, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) cho hay: Gia đình tôi đã đầu tư trồng giống chè cành Phúc Vân Tiên 3 năm nay. Giống chè này rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán có thời điểm lên đến 180 nghìn/kg. Theo tôi, muốn sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa thì  nông dân phải sản xuất những mặt hàng mà người tiêu dùng cần, chứ không sản xuất những thứ mà mình có.

Với những người nông dân quanh năm làm bạn với ruộng đồng, tư tưởng sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa đã, đang được thực hành trên đồng ruộng. Còn về góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Để phát triển nông nghiệp theo hướng hóa với hiệu quả cao và bền vững, 5 năm tới đây, tỉnh ta sẽ lựa chọn và ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên cơ sở xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa dựa vào lợi thế của tỉnh. Bên cạnh đó là xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghệ chế biến như tập trung đầu tư vào các cơ sở sơ chế, bảo quản rau sau thu hoạch; nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm... Hình thành các vành đai sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch xung quanh các đô thị, trong đó chú trọng các sản phẩm chè, rau, hoa, cây cảnh chất lượng cao; tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại xa khu dân cư, nuôi theo phương pháp công nghiệp cùng với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ môi trường… Theo đó, tỉnh sẽ có chính sách trợ giá cho một số nông sản hàng hóa có tính chiến lược của tỉnh như chè, thịt lợn, thịt gia cầm; hỗ trợ nông dân các vùng sản xuất cây trồng hàng hóa, vùng sản xuất tập trung mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa…

 

Từ quan điểm như vậy, từ nay đến năm 2015, tỉnh ta đang hướng tới mục tiêu: Phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 7%/năm; tập trung đầu tư phát triển chè để khai thác lợi thế của tỉnh, ổn định diện tích chè 17.500 ha, hằng năm trồng thay thế khoảng 400-500 ha; phấn đấu giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi tăng 8%/năm; tập trung phát triển công trình thuỷ lợi, hệ thống sản xuất giống cây trồng…