Tạo tiền đề phát triển kinh tế

08:56, 21/04/2010

Cách đây khoảng 5 năm, xã Bình Thuận, Đại Từ được coi là địa phương có kết cấu hạ tầng nông thôn thấp kém. Các công trình đường giao thông, trạm xá, trường học… chưa được chú trọng đầu tư khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhưng đến nay bộ mặt của vùng quê này đã có nhiều khởi sắc.

 

Men theo con đường làng quanh co được đổ bê tông sạch đẹp, chúng tôi tìm đến trang trại chăn nuôi lợn ngoại của gia đình chị Vũ Thị Phượng, xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận (Đại Từ). Dẫn chúng tôi đi thăm quan mô hình trang trại chăn nuôi của mình, chị Phượng cho biết: Gia đình tôi theo nghề chăn nuôi lợn từ năm 2004 đến nay, hiện trong chuồng trại của gia đình lúc nào cũng có 35 đầu nái ngoại và trung bình 250 con lợn thịt/lứa. Thu nhập mỗi năm cũng đạt trung bình trên 100 triệu đồng. Sở dĩ có được kết quả khả quan này là nhờ từ năm 2006 đến nay, kết cấu hạ tầng nông thôn của địa phương được cải thiện, người dân chúng tôi có cơ hội vươn lên làm ăn, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài chăn nuôi lợn ngoại, ông xã tôi còn nuôi khoảng 2 nghìn con ba ba...

 

Không chỉ riêng chị Phượng, mà tại những nơi chúng tôi đến như xóm Chùa, Đầm Mụ, xóm Đình, bà con nhân dân đều thể hiện sự, phấn khởi trước sự thay đổi của miền quê thuần nông này. Đồng chí Trần Xuân Trung, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cách đây khoảng 5 năm, khi đó Bình Thuận được coi là địa phương có kết cấu hạ tầng nông thôn thấp kém. Các công trình đường giao thông, trạm xá, trường học… chưa được chú trọng đầu tư khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Xác định làm đường giao thông nông thôn là một trong những điều kiện để phát triển kinh tế nên bước vào năm 2006, lãnh đạo địa phương đã chú trọng đến việc tu sửa, nâng cấp đường giao thông. Cùng với đó, Đảng bộ xã xây dựng nghị quyết chuyên đề thống nhất chỉ đạo thực hiện từ xã xuống đến cơ sở chi bộ xóm, cụm dân cư để bê tông hóa đường giao thông nông thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

 

Tìm hiểu về cách làm hiệu quả của Bình Thuận, chúng tôi được biết, sau khi có kế hoạch phân bổ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng của huyện, xã lập thiết kế dự toán và mời bí thư, trưởng các xóm lên họp, thông báo số vốn huyện phân bổ cho địa phương, cơ chế làm đường để các xóm đăng ký. Tiếp đó, cán bộ xã xuống thực địa khảo sát các tuyến đường cần làm và xây dựng thiết kế cho xóm. Sau khi thiết kế xong, bí thư, trưởng các xóm họp dân phổ biến quy trình làm, vốn ngân sách Nhà nước và vốn nhân dân đóng góp theo cơ chế nhà nước hỗ trợ 70%, nhân dân 30%. Sau khi nghe thông báo, các xóm về họp bàn cách chia theo khẩu, chú ý tới đối tượng được miễn giảm gồm người cao tuổi, người nghèo, tật nguyền. Cùng với đó, các xóm có tuyến đường đi qua thành lập Ban Giám sát cộng đồng cùng với Ban Quản lý của xã thực hiện giám sát thi công, đôn đốc tiến độ, kiểm tra thiết kế, quy trình làm. Nhờ vậy, từ năm 2006 đến nay, xã Bình Thuận đã làm được 15 km đường bê tông nông thôn.

 

Đặc biệt, năm 2009, toàn xã làm được 4,7 km đường bê tông đi qua các xóm Đình, xóm Thuận Phong, Đầm Mụ, Bình Xuân. Trong khi ngân sách của huyện chỉ vẻn vẹn 590 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp trên 1 tỷ đồng. Không chỉ đóng góp tiền của làm đường giao thông, bà con nhân dân xã Bình Thuận còn hưởng ứng nhiệt tình phong trào hiến đất, tài sản xây dựng các công trình công cộng. Năm 2009, nhân dân Bình Thuận đã hiến đất, tài sản với tổng giá trị hơn 600 triệu đồng để làm hành lang đường điện, đất chôn cột điện, đường giao thông. Cùng với việc đầu tư xây dựng, mở mang các tuyến đường, xã Bình Thuận còn thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng các công trình trường học, trạm điện, trạm y tế, nhà văn hóa cơ sở. Năm 2009, xã được huyện đầu tư xây dựng công trình đập Vai Làng với tổng kinh phí trên 1,3 tỷ đồng, xây 500 m kênh mương đầu mối và sửa chữa các vai đập tạm trên toàn xã. Nhờ vậy, 155 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã đảm bảo gieo cấy 2 vụ lúa. Tại xóm Đình, nhân dân tích cực xây dựng mô hình 20 ha đất sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao, thu nhập đạt từ 55-60 triệu đồng/năm trở lên với công thức luân canh 2 lúa - 1 màu. Ngoài ra, Bình Thuận còn 160 ha chè, trong đó chè cành 30% tập trung phát triển ở các xóm: Đầm Mụ, Tiến Thành, Văn Khúc và xóm Chùa...

 

Kết cấu hạ tầng được quan tâm, người dân địa phương có điều kiện phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN địa phương năm 2009 đạt trên 11 tỷ đồng, thu ngân sách gần 2 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2006 là 18%, kết thúc năm 2009 giảm còn 13%, phấn đấu hết năm 2010 giảm còn 9,04%. Nói thêm về phong trào xây dựng hạ tầng nông thôn, đồng chí Trần Xuân Trung, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: Nhu cầu về làm đường giao thông, thuỷ lợi trên địa bàn xã hiện rất lớn. Năm 2010, xã đang chờ huyện phân bổ vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trong năm. Đến nay, nhân dân địa phương đã đăng ký làm thêm 4 km đường bê tông ở các xóm và 2,6 km kênh mương nội đồng. Chúng tôi hi vọng, huyện Đại Từ nhanh chóng giải ngân nguồn vốn này để người dân sớm có những cung đường nối dài tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội…