Những năm qua, thực hiện nhiều dự án để giải phóng mặt bằng cho việc mở rộng khai trường Công ty Than Khánh Hòa, Nhà máy Xi măng Quán Triều, Quốc lộ 3 tuyến tránh T.P Thái Nguyên, khiến đất canh tác của người dân xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) ngày càng bị thu hẹp. Nhiều hộ nông dân mất hàng mẫu đất nông nghiệp, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nơi đây.
Trước tình hình trên, Hội Nông dân (HND) xã đã phát động và đẩy mạnh phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” (NDSXKDG), nhằm thúc đẩy hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Phong trào này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các hội viên và thu hút đông đảo hộ nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Được biết, HND xã Phúc Hà có trên 500 hội viên, đến nay 100% các hộ làm nông nghiệp đều tham gia tổ chức Hội.
Phong trào NDSXKDG khích lệ các hội viên ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Trong năm 2009, HND xã đã phối hợp cùng Trạm Khuyến nông T.P Thái Nguyên và các tổ chức được 11 lớp tập huấn cho 520 lượt hội viên tham gia. Hội đã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố cho hội viên vay 455 triệu đồng (trung bình mỗi hộ được vay từ 10-15 triệu đồng để đầu tư sản xuất); cung ứng gần 100 tấn phân bón trả chậm và 1.200 kg hạt giống các loại. Ngoài ra, Hội còn xây dựng được “Quỹ hỗ trợ nông dân” do hội viên góp 5 nghìn đồng/người/năm. Đến năm 2009, số quỹ trên 11 triệu đồng đã được luân chuyển cho 6 hộ khó khăn vay đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Cũng trong năm 2009, Ban chấp hành (BCH) HND xã Phúc Hà đã tổ chức cho trên 30 cán bộ, hội viên tham quan một số mô hình làm kinh tế nuôi ếch, rắn, ba ba, gà thả vườn, nhím ở xã Tân Khánh (Phú Bình), xã An Khánh (Đại Từ). Sau khi tham quan trở về, nhiều hội viên đã mạnh dạn tìm cho mình mô hình kinh tế phù hợp để đầu tư. Với tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, những hộ vươn lên làm kinh tế giỏi lại giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn về vốn và giống.
Đơn cử như hộ ông Nguyễn Minh Ngọc, xóm 13 với mô hình nuôi ong mật cho hiệu quả cao. trên 1ha đất vườn, ông tận dụng nuôi ong mật từ năm 1993. Từ 2 đàn, đến nay ông đã phát triển được trên 130 đàn, có lúc lên tới trên 200 đàn, cho thu nhập hàng năm trên dưới 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Ngọc còn chia sẻ kinh nghiệm cho hàng trăm người có sở thích nuôi ong trong tỉnh. Riêng trong xã Phúc Hà, ông đã cung cấp nguồn giống cho trên 20 hộ, đến nay có 10 hộ thành công từ mô hình này như hộ anh Nguyễn Văn Man, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Trọng Việt… có thu nhập từ 20-50 triệu đồng/năm. Nguồn giống cấp cho các hội viên, nhất là các hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn bao giờ ông cũng lấy ở mức giá thấp, hơn nữa còn cho họ nợ đến khi thu hoạch mới phải trả tiền mà không lấy lãi…
Trong những năm qua, phong trào giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của HND xã Phúc Hà đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hiện tỷ lệ hội viên nghèo chỉ còn 36 hộ chiếm 3,2%, giảm 38 hộ so với năm 2008. Trao đổi với chúng tôi, bà Phùng Thị Mây, Chủ tịch HND xã cho biết: “Đạt được những kết quả trên là do BCH luôn đoàn kết thống nhất thực hiện các nhiệm vụ chung, đồng thời là kênh thông tin tới các hội viên về khoa học kỹ thuật tiên tiến, sưu tầm những mô hình làm kinh tế giỏi làm tài liệu phát cho các hội viên nghiên cứu, áp dụng vào thực tế. Một việc làm rất cụ thể và đem lại hiệu quả của HND xã đó là mỗi buổi sinh hoạt thường kỳ, BCH Hội lại họp bàn các kế hoạch thực hiện mục tiêu, đồng thời giới thiệu các mô hình làm kinh tế giỏi của xã, tổ chức đi tham quan lần lượt ở từng nhà hội viên làm kinh tế giỏi. Nhờ vậy, các hội viên có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để có điều kiện áp dụng vào gia đình mình”.
Với những kết quả đạt được, HND xã Phúc Hà đã được nhận Bằng khen của Trung ương HND vì có thành tích trong công tác xây dựng Hội và phong trào nông dân năm 2008; năm 2009 được BCH HND tỉnh tặng Giấy khen là đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân…