Tìm lời giải cho bài toán nhập siêu: Trước mắt, cần đẩy mạnh xuất khẩu

07:58, 14/04/2010

Trong khi dư luận lo ngại nhập siêu cao thì Bộ Công Thương lại nhận định việc nhập khẩu và nhập siêu tăng trong quý I chưa đáng lo ngại. Tuy nhiên, quyết liệt hạn chế nhập siêu vẫn được Bộ Công Thương ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành hiện nay.

 

Nhập siêu chưa đáng lo ngại!

 

Thông tin 3 tháng đầu năm Việt Nam nhập tới gần 1 tỷ USD riêng mặt hàng điện thoại, nhóm hàng được coi là xa xỉ đã khiến  dư luận quan ngại, khi mà chúng ta đang đối mặt với  bối cảnh  nhập siêu được cho là căng thẳng hiện nay. Nhập siêu quý I/2010 là 3,4 tỷ USD, bằng 23,5% kim ngạch nhập khẩu (KNNK).

 

Cho dù không tính cả mặt hàng vàng (vốn là mặt hàng được cho là không có ý nghĩa thúc đẩy sản xuất) thì nhập siêu cũng đã ở  mức 3,14 tỷ USD bằng 22,2% KNNK.

 

Đáng chú ý, nhóm hàng cần nhập khẩu phục vụ cho sản xuất  (nguyên nhiên vật liệu, máy móc thiết bị…) quý I tăng 37,7% chiếm 78,8% KNNK. Trong khi nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu tăng 61% so với cùng kỳ 2009, chiếm 11,7% tỷ trọng của KNXNK, trong nhóm này mặt  hàng vàng tăng 800% so với cùng kỳ 2009. Nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu cũng tăng 38,6%  đạt 1,7 tỷ USD.

 

Trong khi dư luận tỏ ra quan ngại trước việc nhập siêu cao như đã nêu, thì Bộ Công Thương lại nhận định việc nhập khẩu và nhập siêu  tăng trong quý I vẫn chưa đáng lo ngại, bởi 5 lý do dưới đây.

 

Thứ nhất, dù nhập khẩu tăng cao 40,2% trong khi xuất khẩu lại giảm nhẹ, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại trong quý I/2010, nhưng nếu so sánh với cùng kỳ năm 2008 thì nhập khẩu vẫn thấp hơn 17%, trong khi đó xuất khẩu lại tăng hơn 9,8% (năm 2008 là năm bắt đầu xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới).

 

Thứ hai, tình hình xuất nhập khẩu có chuyển biến tích cực theo hướng xuất khẩu tăng lên, trong khi nhập khẩu giảm qua các tháng (tháng 3 xuất khẩu tăng 49,5%, trong khi nhập khẩu chỉ tăng 33,1%).

 

Thứ ba, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh hơn nhiều so với nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước, cụ thể nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 57,3%, trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 30,4%.

 

Thứ tư, việc nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh về lượng trong thời gian gần đây cho thấy sản xuất, xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên cũng phải thấy giá nhập khẩu của nhiều loại mặt hàng tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ tới đầu vào của sản xuất kinh doanh, trong khi đó giá hàng hóa xuất khẩu lại tăng không bằng giá nhập khẩu, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

 

Thứ năm, mặc dù nhập siêu có dấu hiệu tăng trong 3 tháng đầu năm, song nếu so với cùng kỳ năm 2008 (thời điểm đó nhập siêu ở mức 64% /tổng KNXNK)  thì nhập siêu 3 tháng đầu năm 2010 vẫn là ở mức chấp nhận được.

 

Tuy nhiên, quyết liệt hạn chế nhập siêu vẫn được Bộ Công Thương ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành hiện nay.

 

Ưu tiên hàng sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu

 

Được biết, Bộ Công Thương đã đề cập tới một số biện pháp nhằm giảm nhập siêu trong thời gian tới, như  chỉ ưu tiên nhập khẩu vật tư thiết bị  và công nghệ tiên tiến phục vụ đầu tư và sản xuất trong nước, đồng thời hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ (ô tô, điện thoại), một số thực phẩm, nông lâm thủy sản không cần thiết.

 

Song theo một lãnh đạo của Bộ Công Thương, cái khó nhất hiện nay là các loại hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhằm giảm nhập siêu lại chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu nhập khẩu, còn các mặt hàng cần phải nhập  khẩu để phục vụ sản xuất thì đã chiếm tới 88%.

 

Chẳng hạn, nếu so sánh kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng xa xỉ không thiết yếu năm 2009 chỉ ở mức 5- 6 tỷ USD thì năm 2010 theo tính toán cũng chỉ ở mức đó. Nếu tập trung “loại trừ” được việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu  thì cũng chỉ chiếm ở mức khoảng trên  8 %/ tổng KNNK.

 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Công Thương đang rà soát các danh mục hàng thóa, thiết bị trong nước sản xuất được để ưu tiên sử dụng thay cho hàng nhập khẩu. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch ( Bộ Công Thương) Huỳnh Đắc Thắng, nhanh nhất cũng phải cuối quý II mới hoàn thành danh mục này.

 

Được biết, Bộ Công Thương sẽ triển khai  xây dựng danh mục hàng hóa, thiết bị trong nước sản xuất được theo hướng căn cứ vào mã hàng và đề xuất  can thiệp bằng công cụ thuế. Việc xây dựng danh mục này căn cứ vào mã sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho việc kiểm soát thuận tiện  và tạo tính minh bạch cho doanh nghiệp cũng như các cơ quan giám sát. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với Tổng cục Hải quan thống nhất các mã hàng và cùng với các doanh nghiệp rà soát kê khai các sản phẩm.

 

Tuy nhiên đẩy mạnh xuất khẩu vẫn được coi là giải pháp tối ưu trong giai đoạn trước mắt để đảm bảo cán cân thương mại.

 

Bởi theo phân tích cho thấy, mặc dù xuất khẩu quý I/2010 chỉ tăng nhẹ, nhưng so với năm 2008 tăng 9,8%  và cơ cấu hàng xuất khẩu có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Tỷ trọng nhóm hàng xuất khẩu chế biến  tăng mạnh chiếm 65% tổng KNXK. So với năm 2009, tỷ trọng này chỉ tăng 7% và so với năm 2008 tỷ trọng này tăng  8,6%. Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản xuất khẩu giảm mạnh xuống còn 13,8% so với 17,1% của năm 2009 và 23,7% của năm 2008.

 

Thêm nữa, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2008 và 2009.

 

Cụ thể, sản phẩm hóa chất đã  tăng 39,3%, sản phẩm chất dẻo tăng 23,7%, sản phẩm cao su tăng 95,6%, sản phẩm gỗ tăng 31,7%, hàng dệt may tăng 15,5%, hàng điện tử tăng 40,2%, máy móc thiết bị tăng 71,8%, dây cáp điện tăng 121%, phương tiện vận tải tăng 160%...  Đây là tín hiệu đáng mừng và là cơ sở để dự báo xuất khẩu năm nay sẽ tăng trưởng khá.

 

Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ giữ được con số nhập siêu ở mức 20% theo Nghị quyết của Quốc hội.