Về với làng nghề rọ tôm Thượng Đình

09:25, 02/04/2010

Thượng Đình là một xã của huyện Phú Bình, tiếp giáp với thành phố Thái Nguyên. Nơi đây nổi tiếng với nghề đan rọ tôm. Nghề này xuất hiện ở Thượng Đình cách đây khoảng 30 năm và ngày càng phát triển. Đầu tiên nghề đan rọ chỉ xuất hiện ở một, hai xóm với vài chục hộ đan thì hiện nay đã nhân rộng ra đến 300 hộ. Nhờ nghề đan rọ, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu...

 

Đến với xã Thượng Đình, người ta không còn lạ lẫm với cảnh trẻ con xách đùm lớn, đùm bé những túi đồ nghề đan đi theo sau đàn trâu, đàn bò. Các em tranh thủ thời gian chăn trâu, bò để làm. Trẻ con làm những công việc nhỏ như tết nan hom, tết nan cốt. Người lớn làm những việc nặng hơn, yêu cầu độ khó hơn. Khi đến với làng nghề, có thể nhìn thấy nhiều ông già, bà già tóc đã bạc nhưng vẫn cặm cụi đan giúp con cháu. Các cụ giúp các công việc nhẹ nhàng như chẻ nan cốt, đan cốt, vào hom… Làng nghề đan rọ phải kể đến làng Hoà Bình, Hoà Thịnh, Bồng Lai, Gò Lai và Đông Yên. Ở các làng này rọ tôm đan có phần đẹp hơn, chắc chắn hơn các làng khác. Bởi đây là những làng nghề đan rọ đầu tiên của xã Thượng Đình. Các làng nghề này có đến 70% số hộ đan rọ tôm.

 

Một cái rọ hoàn thành trông có vẻ đơn giản nhưng nó có rất nhiều công đoạn tạo nên. Trước tiên là công đoạn cắt tre, pha tre sao cho hợp lý, từng bộ phận mà cắt tre, pha tre khác nhau. Công việc này thường do cánh đàn ông đảm nhận. Tiếp đó là công đoạn chẻ nan. Có rất nhiều loại nan cần phải làm như: nan cái hom, nan hom, nan cái cốt, nan cốt, nan khoáy, nan dài,… Nhưng khó nhất có lẽ là loại nan dài. Một chiếc nan dài có thể tới 3 mét. Công việc chẻ nan yêu cầu ở người làm một sự cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo. Bàn tay của họ thoăn thoắt đưa lưỡi dao trên những thỏi tre. Công đoạn tết hom và khoáy hom rọ cũng quan trọng bởi rọ đẹp hay không phụ thuộc nhiều vào hom. Một cái rọ cần hai cái hom: hom dưới bầu và trên miệng. Đan vỏ rọ là công đoạn cuối cùng, một chiếc rọ đẹp yêu cầu vỏ phải cân đối, bóng đẹp, đan đều tay. Hoàn thành được bó thành những bó lớn, mỗi bó gồm 50 chiếc để tiện cho việc vận chuyển. Một chiếc rọ tôm nhỡ có kích thước dài gần 40 cm, miệng và bầu to bằng những chiếc bát con, rọ tôm to có kích thước to hơn gần gấp đôi. Giá một chiếc rọ tôm cỡ nhỡ dao động từ 2.400 - 3.000 đồng, giá một chiếc rọ tôm to khoảng gần gấp đôi.

 

Từ nhiều năm nay Nhà nước và chính quyền các cấp luôn khuyến khích nhân dân phát triển các nghề thủ công, tiểu thủ công nghiệp ngay tại địa phương, để giải quyết số lao động thiếu việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. Mấy chục năm qua, xã Thượng Đình khuyến khích nhân dân phát triển các nghề thủ công trong đó có nghề đan rọ tôm. Ưu điểm của nghề là có sẵn nguồn nguyên liệu vì tre được trồng xung quanh làng, ở các soi bãi và dọc theo sông Cầu, đó là nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào. Thứ hai nghề này tận dụng được mọi nhân công, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng có thể làm được. Làm nghề này tương đối nhàn so với các nghề khác “nắng không tới mặt, mưa không tới đầu”. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra cho sản phẩm tương đối rộng rãi, xuất bán sang các tỉnh lân cận như Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương,… Rọ đan xong sẽ có người đến tận nhà thu mua, người đan không bao giờ phải lo đầu ra cho sản phẩm.

 

Hiện nay ngoài năm làng nghề đan rọ cũ thì đã phát triển ra các làng khác trong xã như làng Rô, Huống, Tân Lập, Hàng Tài, Ngọc Tâm với số hộ đan rọ khá đông. Nhiều gia đình vừa làm các nghề khác nhưng vẫn tranh thủ đan rọ vào buổi tối, hay những ngày trời mưa gió để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nếu một gia đình có từ 3-4 người chuyên làm rọ thì một ngày cũng có thể làm được 50 chiếc rọ nhỡ. Trừ chi phí mua nguyên liệu thu được  từ 120- 140 nghìn đồng. Thu nhập mỗi tháng của một gia đình chuyên đan rọ tôm khoảng 2,5-3 triệu đồng. Hiện nay toàn xã có trên 300 hộ đan rọ, giải quyết việc làm cho trên một ngàn lao động; thu nhập mỗi tháng từ đan rọ của xã là trên 700 triệu đồng. Mức thu nhập như vậy chưa phải là cao nhưng cũng đủ cho chi phí hàng ngày với mức sống ở nông thôn và có thêm khoản tiền tiết kiệm.

 

Nhờ có nghề đan rọ tôm, cuộc sống của nhân dân ngày càng khấm khá hơn. Nhiều nhà mua được các đồ dùng giá trị như: bàn ghế, tivi, tủ lạnh, đầu đĩa, xe máy… Nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ nghề này. Đời sống nhân dân trong xã Thượng Đình được cải thiện rõ rệt.