Huyện Phú Lương hiện có hơn 105 nghìn người, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 42,3%. Huyện có 16 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã khu vực III và 9 xóm, bản đặc biệt khó khăn ở 6 xã thuộc khu vực II được hưởng lợi đầu tư từ Chương trình 135. Trong những năm qua, nhờ có Chương trình 135 mà các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của huyện được đầu tư phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng và đào tạo cán bộ.... Diện mạo nông thôn Phú Lương vì thế đã có những đổi thay.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết: Để thực hiện Chương trình 135 có hiệu quả, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo để xây dựng chương trình kế hoạch, quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn và các thành viên trong Ban Chỉ đạo; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và lập danh sách các hộ thụ hưởng chính sách. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc cơ sở, giúp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện...
Đối với các địa phương được hưởng Chương trình, huyện chỉ đạo thành lập ban quản lý dự án, ban giám sát chương trình để thực hiện việc lựa chọn danh mục đầu tư xây dựng, bình xét hộ nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ. Đồng chí Đỗ Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Trong quá trình triển khai Chương trình 135, xã đã thực hiện đúng các chế độ chính sách; đảm bảo công bằng, dân chủ, phát huy vai trò của ban giám sát cộng đồng nên đại đa số bà con nhân dân đều đồng tình ủng hộ và tự nguyện hiến đất giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình thuộc Chương trình 135.
Chương trình 135 giai đoạn II được triển khai trên địa bàn huyện gồm 4 dự án, hợp phần: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản suất; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở và cộng đồng; hỗ trợ, cải thiện các dịch vụ, nâng cao đời sống nhân dân và trợ giúp pháp lý. Tổng nguồn vốn đầu tư của Chương trình từ năm 2006 đến năm 2009 trên địa bàn huyện là hơn 9,9 tỷ đồng. Về Dự án phát triển cơ sở hạ tầng, từ năm 2006 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng các chợ Hợp Thành và chợ Yên Trạch. Các chợ này khi đưa vào sử dụng đã góp phần tích cực vào việc giao lưu buôn bán cho bà con. Ngoài ra, huyện còn đầu tư xây mới nhiều công trình hạ tầng: Trường Tiểu học và trường Mầm non Hợp Thành, Trường Tiểu học Yên Ninh, Trường Mầm non Yên Trạch, tuyến đường Làng Mới thuộc xã Hợp Thành, xây dựng 5 nhà văn hoá thuộc các xóm đặc biệt khó khăn của xã Yên Lạc, đầu tư công trình đường tràn liên hợp xóm Đồng Tâm, xã Động Đạt; kiên cố hóa các công trình thuỷ lợi đầu mối và hệ thống kênh mương của 2 xã: Yên Trạch, Yên Ninh và nhiều hạng mục công trình khác đã tạo nên diện mạo mới khang trang ở các xã đặc biệt khó khăn.
Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của bà con, Chương trình 135 còn hỗ trợ các hộ về tư liệu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, vật tư phân bón, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến... Chỉ tính riêng trong năm 2009, toàn huyện đã có 964 hộ được hỗ trợ về khuyến lâm, khuyến nông, xây dựng các ô mẫu, mô hình... với tổng nguồn vốn là 840 triệu đồng. Về dự án đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng, năm 2009 huyện mở được 70 lớp về tập huấn khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý tài chính ngân sách và dự án cấp xã đối với các công trình dự án... cho hơn 3.600 lượt người tham gia.
Các công trình xây dựng đều đáp ứng nhu cầu bức thiết và mong đợi của đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhận xét về hiệu quả từ những chương trình hỗ trợ của Nhà nước đối với đồng bào địa phương, ông Vũ Xuân Thanh, xóm Kết Thành, xã Hợp Thành cho biết: Trước đây, đường vào xã tôi rất khó khăn, nhất là khi trời mưa. Vì thế đã làm hạn chế rất lớn đến việc vận chuyển hàng hóa của người dân. Nay có đường nhựa phẳng phiu, lại có chợ khang trang, nên cuộc sống của chúng tôi đỡ vất vả rất nhiều. Không ít hộ sắm được xe máy, xây được nhà tầng. Đối với anh Nguyễn Văn Khuyến, xóm Bản Héo, xã Yên Trạch thì Chương trình 135 đã giúp anh được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức, được hỗ trợ cây giống và phân bón. Qua đó, gia đình anh cùng hơn 30 hộ dân trong xóm đã bước đầu trồng thử nghiệm giống bí xanh. Đến nay sau hơn 30 ngày trồng, 2 sào bí xanh của anh phát triển tốt, đang giai đoạn đậu quả, ước tính gần 70 ngày sẽ cho thu hoạch, trung bình khoảng 7 tạ/sào. Với giá bán trung bình hiện nay là 5 nghìn đồng/kg, gia đình tôi sẽ thu được 7 triệu đồng, cao gấp 2 đến 3 lần so với trồng lúa.
Có thể nhận thấy, Chương trình 135 đã góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Hiện, 273/274 xóm của huyện đã có đường giao thông đến trung tâm xã; 100% xã có tủ sách pháp luật và bưu điện văn hóa xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,94% năm 2009; trên 70% diện tích lúa được chủ động tưới tiêu; 80% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh. Bộ mặt nông thôn mới huyện Phú Lương đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đặc biệt khó khăn đã và đang từng bước được nâng lên.