Yên Lạc có hơn 2.540 ha đất lâm nghiệp, là một trong những xã có diện tích đất lâm nghiệp lớn của huyện Phú Lương. Trong những năm vừa qua, tận dụng lợi thế này, xã đã khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế đồi rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Đồng chí Hoàng Công Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng, trong khi lại có điều kiện thuận lợi là diện tích đất lâm nghiệp lớn nên những năm qua xã luôn chú trọng tới công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Hàng năm chúng tôi đều giao chỉ tiêu trồng rừng cho từng xóm; đồng thời phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn về trồng rừng cho bà con nông dân. Nhờ vậy, chỉ tiêu trồng rừng của xã hàng năm đều vượt kế hoạch. Chẳng hạn, năm 2008 xã trồng mới được 100ha rừng, đạt 112% kế hoạch, năm 2009 trồng được 111ha, bằng 132% kế hoạch.
Cùng với việc trồng rừng, xã cũng quan tâm tới công tác bảo vệ rừng. Xã có Ban quản lý bảo vệ rừng, phân thành từng tổ quản lý, bảo vệ theo từng cụm xóm để có thể chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là các vụ cháy rừng. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên các cánh rừng keo lai, keo tai tượng đều sinh trưởng và phát triển tốt. Đến nay, tổng diện tích rừng của xã là 2.488 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 45%. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất "lấy ngắn nuôi dài", xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra tín chấp cho các hội viên vay vốn. Hiện tổng dư nợ của các ngân hàng Chính sách - Xã hội và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho nhân dân trong xã vay là trên 17 tỷ đồng.
Chúng tôi đến xóm Ó, một trong những xóm có diện tích rừng lớn nhất của xã Yên Lạc. Ông Nguyễn Văn Diện, Trưởng xóm cho biết: Những năm trước đây, do chưa nhận thức được lợi ích của việc trồng rừng nên đa phần bà con trong xóm vẫn trồng ngô, sắn trên nương, rẫy, hiệu quả kinh tế đem lại không cao mà dễ gây xói mòn đất. Từ khi có chương trình trồng rừng theo Dự án 661 của Nhà nước, bà con phấn khởi lắm, hầu như hộ nào cũng tham gia trồng. Hiện, tổng diện tích rừng của xóm là hơn 650ha, trong đó có hơn 250 ha rừng trồng. Khoảng hơn 90% số hộ trong xóm đều phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh đồi rừng. Xóm có nhiều hộ có diện tích rừng lớn như: Nguyễn Văn Hát 40 ha, Hoàng Văn Xe 20 ha và Thạch Quang Hưng 14ha. Năm 2009, 3 hộ này đã được UBND huyện Phú Lương cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra còn có nhiều gia đình có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm từ rừng như: Hoàng Văn Ngọc, Nguyễn Thanh Quyết... Nhờ phát triển kinh tế đồi rừng mà số hộ nghèo trong xóm đã giảm dần theo từng năm. Hiện xóm chỉ còn 43/146 hộ nghèo, giảm được hơn 20 hộ so với năm 2007.
Không chỉ xóm Ó mà Yên Lạc còn có nhiều xóm phát triển kinh tế đồi rừng như: Xóm 1 Yên Thủy, Đồng Xiền, Đồng Mỏ, Cây Thị... Nhiều hộ đã phát triển kinh tế trang trại đồi rừng kết hợp đào ao thả cá, chăn nuôi dê, nuôi ong... Ông Nguyễn Trọng Thuận, ở xóm Đồng Bòng là một trong những hộ kết hợp trồng rừng và nuôi ong. Ông tâm sự: Từ khi có chủ trương trồng rừng của Nhà nước, gia đình tôi đã tận dụng hết diện tích đồi tạp để trồng keo tai tượng và đẩy mạnh thâm canh chè kết hợp trồng xen kẽ cây ăn quả. Ngoài ra tôi còn đi tham quan các nơi để học hỏi kiến thức nuôi ong lấy mật và phổ biến cho bà con cách làm để cùng phát triển… Từ làm chè, phát triển đồi rừng và nuôi ong, thu nhập trung bình của đình ông Thuận hiện nay đã đạt trên 40 triệu đồng/năm.
Nhờ phát huy những thế mạnh từ rừng, đến nay đời sống của bà con Yên Lạc đã có nhiều thay đổi. Số hộ nghèo của xã giảm từ hơn 1.000 hộ năm 2005 xuống còn 754 hộ trong tổng số hơn 1.680 hộ hiện nay. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đối ứng của nhân dân, xã đã xây dựng được các công trình phục vụ đời sống dân sinh như: Cầu Khe Lin ở xóm Ó, kênh tiếp nước Đập Đỏm ở xóm Đồng Bòng, công trình cầu qua suối ở khu vực Trường Tiểu học số 2... với tổng trị giá hàng tỷ đồng.